ĐBSCL: Y tế cơ sở vắng vì thiếu niềm tin

(Dân trí) - Mới đây lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, y tế cơ sở đang là vấn đề chúng ta cần bàn và cần quan tâm nhiều hơn.

Người bệnh không tin cơ sở

Chen chúc hơn hai tiếng đồng hồ ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, chị Võ Thanh Hương, ở Bình Thủy mới đưa được con trai 2 tuổi rưỡi vào phòng khám. Chỉ vài phút hỏi bệnh và thăm khám, bác sĩ kê cho chị một toa thuốc rồi dặn về cho uống đúng liều lượng, hẹn tuần sau tái khám. Xem toa của chị mới biết, bé Khang chỉ bị rối loạn tiêu hóa.

Chị Hương cho biết: “Mặc dù khám chữa bệnh ở trạm y tế gần và thuận lợi hơn nhưng vợ chồng tôi không an tâm lắm. Mỗi khi bé bệnh, chúng tôi thường đưa đến bác sĩ tư hoặc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tốn kém và mất thời gian hơn nhưng đỡ xót ruột hơn”.

Cũng vì tâm lý ấy, trung bình Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ mỗi ngày đón hàng ngàn lượt bệnh, nhưng số bệnh nhi thật sự phải nhập viện điều trị chỉ chiếm khoảng 1/3. Có thể nói, những hạn chế về năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân bỏ đơn vị y tế gần gũi nhất của cộng đồng.
ĐBSCL: Y tế cơ sở vắng vì thiếu niềm tin
Là một trong những trạm y tế khang trang của TP Cần Thơ nhưng trạm y tế phường Tân An quận Ninh Kiều thường xuyên vắng bệnh nhân đến khám.
 
 Ghi nhận thực tế cho thấy, tâm lý không tin tưởng vào năng lực điều trị của trạm y tế như trường hợp của chị Thanh khá phổ biến. Các trạm y tế nội đô của quận Ninh Kiều: An Hội, Cái Khế, Xuân Khánh, An Nghiệp, An Hòa... chỉ đông trong những ngày tiêm phòng vào đầu tháng và hoạt động chủ yếu của trạm là chăm sóc, tư vấn tại cộng đồng.
 
Cán bộ cơ sở thiếu tự tin
 
Có mặt ở trạm y tế phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, gần hết buổi chiều chúng tôi chẳng thấy ai đến khám bệnh. Các trang thiết bị ở đây được trang bị khá đầy đủ nhưng sử dụng thường nhất chỉ là ống nghe và máy đo huyết áp.

Chị Đặng Thị Trà, Trưởng trạm y tế phường Tân An cho biết, các máy máy điện tim, máy thử đường ở đây đã hư, các loại máy thở, bình ô-xy thì không có dịp xài vì gặp những bệnh hơi phức tạp thì trạm đã chuyển lên tuyến trên chứ không dám lưu bệnh.

Chính vì mang tâm lý y tế tuyến cơ sở chỉ giữ nhiệm vụ sơ cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường nên việc trang bị máy móc phục vụ chẩn đoán và điều trị của các trạm y tế cũng khá sơ sài. Mặt khác, về năng lực chuyên môn, nhiều trạm y tế vẫn chưa có bác sĩ hoặc có bác sĩ thì phần lớn là bác sĩ chuyên tu.

Một cán bộ trước đây công tác tại Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: “Rất khó thu hút bác sĩ được đào tạo chính qui về công tác tại trạm y tế nên đa phần bác sĩ tại trạm là người của các đơn vị được đào tạo theo hệ chuyên tu lên bác sĩ. Và nhiệm vụ chính của y tế tuyến cơ sở là thực hiện công tác cộng đồng”.

Dù có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nhưng không thể không thừa nhận, phần lớn các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Những hạn chế về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn là nguyên nhân chính khiến người dân chưa tin tưởng vào y tế tuyến cơ sở - tuyến y tế được xem là gần gũi nhất với cộng đồng.

Khó khăn từ cơ chế

Mới đây, một bạn đọc công tác trong ngành y ở huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng gọi điện phản ảnh gần một năm nay, đội ngũ y bác sĩ công tác tại các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Sóc Trăng chưa được hưởng trợ cấp theo quy định, khiến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo của Sở Tài chính Sóc Trăng, cho biết do thời gian qua ngành y tế Sóc Trăng lập danh sách người được hưởng trợ cấp không đúng biểu mẫu. Sở Tài chính đã yêu cầu làm lại, khi nào xong Sở sẽ trình UBND tỉnh giải quyết sớm.

Nếu như khó khăn của các trạm y tế thuộc khu vực nội ô chủ yếu là về cơ sở vật chất thì các trạm y tế ngoại thành lại phải đương đầu với tình trạng thiếu bác sĩ. “Việc thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế đã khó, thu hút bác sĩ về các trạm y tế ngoại thành càng khó hơn.

Thời gian qua, UBND TP Cần Thơ đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ công tác tại y tế tuyến xã, phường, thị trấn. Theo đó, bác sĩ về công tác tại trạm y tế sẽ được hỗ trợ từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/ tháng, trong vòng 3 năm, tùy theo xã, phường hay thị trấn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều bác sĩ, mức hỗ trợ này vẫn còn thấp, chưa đủ tạo điều kiện để các bác sĩ an tâm về trạm, hiện chỉ trên 75% trạm y tế trong toàn TP có bác sĩ. Kết quả là nhiều trạm y tế vẫn thiếu bác sĩ và lãnh đạo ngành y tế phải điều động bác sĩ tuyến quận, huyện và tuyến thành phố tăng cường tham gia khám chữa bệnh, góp phần xây dựng, củng cố trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở.
 

Y tế tuyến quận, huyện vẫn còn nhiều bất cập

 

Hiện nay, trong 9 quận huyện của TP Cần Thơ vẫn còn 3 đơn vị chưa có bệnh viện hoặc chưa có đất xây dựng bệnh viện: Bình Thủy, Cờ Đỏ, Ninh Kiều. Bệnh viện 30-4 trước đây thuộc quận Ninh Kiều đã được nâng cấp thành Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và đến nay vẫn đang trong kế hoạch xây lại bệnh viện mới, nhiều nơi đang hoạt động trong những cơ sở chật hẹp, xuống cấp và gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất và con người.

Hầu hết bệnh viện tuyến quận, huyện ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ nhận điều trị những bệnh thông thường, sơ cấp cứu ban đầu, giải quyết triệu chứng một số bệnh nội khoa, nhận những ca sinh tiên lượng bình thường... Phần lớn các bệnh có chút “rắc rối” như: gãy xương, viêm ruột thừa, sinh mổ, sinh khó,... đều phải chuyển viện lên tuyến thành phố. Xem ra con đường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở y tế tuyến quận, huyện vẫn còn là một hành trình khá dài.

 

Phạm Tâm