TPHCM:
Hơn 900 khách hàng đã ăn hết hoặc tự hủy pate Minh Chay
(Dân trí) - Ban Quản lý An toàn Thực phẩm tiếp cận được hơn 1.100 người mua pate Minh Chay, phần lớn khách hàng đã ăn hết hoặc tự hủy sản phẩm. Các ca bệnh đang điều trị tại TP HCM phục hồi rất chậm.
Ngày 7/9, PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TP HCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin chỉ đạo của Bộ Y tế về tình trạng ngộ độc botulinum ở những người ăn món pate Minh Chay, Ban đã khẩn trương vào cuộc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc thu hồi sản phẩm trên thị trường (nếu có) và sản phẩm đã bán đến người tiêu dùng.
Trong danh sách 1.290 khách hàng từng mua pate Minh Chay và các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới (tại Hà Nội), đến nay Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã liên hệ được với 1.101 khách hàng, số còn lại không liên lạc được. Trong đó, 924 khách hàng thông tin đã sử dụng hết hoặc đã hủy sản phẩm khi biết thông tin cảnh báo về tình trạng ngộ độc botulinum từ sản phẩm. Ban đã thu hồi được 261 sản phẩm của 151 khách hàng, không thu hồi được 45 sản phẩm của 26 khách hàng do khách hàng yêu cầu được tự giữ để gửi trả cho công ty.
Liên quan đến tình hình điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay, đến ngày 7/9 các bệnh viện trên địa bàn TP HCM đang điều trị cho 4 bệnh nhân trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (2 ca); Bệnh viện Nhân Dân 115 (1 ca); Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca).
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 2 ca ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay được chuyển đến từ Long An. Từ khi nhập viện đến nay, sức khỏe của các bệnh nhân diễn tiến khả quan hơn nhưng khá chậm. Bệnh nhân là người chị hiện vẫn yếu liệt, mới cử động được các ngón chân tay, đã mấp máy được mí mắt nhưng chưa mở mắt được, hiện vẫn đang thở máy. Trong khi đó, bệnh nhân là người em đã cai máy thở thành công, tự thở khí trời 2 ngày qua nhưng nuốt còn bị sặc, đang nuôi ăn qua ống thông dạ dày.
Tại Bệnh viện Nhân Dân 115, BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, nữ bệnh nhân 41 tuổi, được chuyển đến từ Bình Dương từ ngày 12/8 đang trong tình trạng nặng. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được. Tuy nhiên, sức cơ tay và chân chỉ còn 3/5, cơ lực còn yếu và phải thở máy. Tiên lượng bệnh nhân còn nặng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới cho biết trường hợp đang điều trị tại đây là bệnh nhân nam 54 tuổi ở Vũng Tàu chuyển đến cấp cứu ngày 27/8 sau khi ăn khá nhiều pate Minh Chay. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, ói , đau bụng sau đó mờ mắt, nói khó, nuốt khó, sụp mí mắt.
Sau thời gian điều trị, đến nay bệnh nhân đã tỉnh táo, không sốt, thực hiện được các y lệnh nhưng vẫn trong tình trạng sụp mí mắt, sức cơ yếu còn khoảng 2/5. Hiện bệnh nhân không vận động được các ngón tay, không nhấc nổi tay chân khỏi mặt giường, tình trạng liệt còn năng. Bệnh nhân vẫn phải thở máy, đã được lọc máu, thay huyết tương, tuy nhiên sau hơn 1 tuần điều trị mức độ phục hồi chưa có sự cải thiện.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị cho 5 bệnh nhân khác bị ngộ độc pate Minh Chay, sau khi tình hình sức khỏe tạm ổn, các bệnh nhân đã được chuyển về bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, trong số đó có một trường hợp là nữ bệnh nhân 20 tuổi chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đang rơi vào tình trạng nguy kịch.
TS.BS Quốc Hùng nhận định: "Nữ bệnh nhân bất ngờ rơi vào tình trạng nặng có thể là do những biến chứng sau thời gian thở máy khá dài. Chúng tôi sẽ liên hệ với đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để phối hợp hội chẩn, đưa ra những phương án điều trị khả thi nhất cho người bệnh”.
4 bệnh nhân còn lại gồm 1 trong số 2 trường hợp được chuyển về Đa khoa Đồng Nai; 2 ca chuyển về Khánh Hòa; 1 ca chuyển về Bà Rịa – Vũng Tàu đang có diễn tiến khả quan. Các bệnh nhân đã cải thiện được sức cơ, đang trong giai đoạn tập cai máy thở.
Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận cung cấp huyết thanh kháng botulinum cho Việt Nam. Các bác sĩ đang hy vọng đây sẽ là phương án khả thi để điều trị cho các ca ngộ độc nặng, rút ngắn thời gian bệnh nhân bị yếu liệt, giảm nguy cơ biến chứng do nằm viện kéo dài có thể xảy ra.