1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Hiệu quả bảo vệ của vắc xin kéo dài bao lâu?

Nam Phương

(Dân trí) - (Dân trí) -Nhiều người băn khoăn, sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, hiệu quả bảo vệ trong bao lâu, có kéo dài suốt đời hay không?

Theo một nghiên cứu mới tại Anh, hiệu quả bảo vệ của vắc xin Pfizer và AstraZeneca trong việc ngăn lây nhiễm bệnh giảm dần trong vòng 6 tháng sau khi tiêm đủ 2 mũi.

Báo cáo mới đây về tình hình dịch Covid-19 của Bộ Y tế có nêu thông tin không chính thức về tính hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn lây nhiễm bệnh.

Theo đó, một nghiên cứu tại Anh dựa vào dữ liệu của hơn 1,2 triệu kết quả xét nghiệm cho thấy tính hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn lây nhiễm bệnh sẽ giảm từ 88% xuống còn 74% ở thời điểm 5-6 tháng sau khi được tiêm đủ hai mũi. Với vắc xin AstraZeneca, con số này sẽ giảm từ mức 77% xuống 67% ở thời điểm 4-5 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi.

Bên cạnh đó, theo một chuyên gia dịch tễ tại Đại học Boston (Mỹ), đã có những bằng chứng về sự suy giảm khả năng miễn dịch sau khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng của vắc xin mRNA (do Pfizer và Moderna sản xuất). Dù vậy, nó vẫn được cho là vẫn bảo vệ tốt khỏi khả năng bị bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Hiệu quả bảo vệ của vắc xin kéo dài bao lâu? - 1

CDC cũng đã khuyến nghị một liều tăng cường để nâng cao hiệu quả của vắc xin Pfizer và Moderna, bắt đầu sớm nhất là vào ngày 20/9, ít nhất 8 tháng sau liều vắc xin thứ hai.

Theo các chuyên gia, theo thời gian, ngay cả những loại vắc xin rất hiệu quả cũng suy giảm về mức độ hiệu quả của chúng. Điều này cũng đúng đối với vắc xin coronavirus.

Các vắc xin có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng 

Theo WHO, các vắc xin đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra. Với biến thể Delta, các dữ liệu cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.

TS Katherine O'Brien, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết các loại vắc xin Covid-19 hiện nay chủ yếu là vắc xin hai liều. Trong vòng khoảng 2 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, cơ thể bắt đầu có phản ứng miễn dịch tốt. Và liều thứ hai sau đó góp phần tăng cường miễn dịch.

"Chúng tôi vẫn chưa biết khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu từ các loại vắc xin mà chúng tôi có trong tay ngay bây giờ. Chúng tôi đang theo dõi những người đã tiêm phòng để tìm hiểu xem liệu phản ứng miễn dịch của họ có bền theo thời gian hay không và khoảng thời gian mà họ được bảo vệ chống lại bệnh tật. Vì vậy, chúng tôi thực sự sẽ phải đợi thời gian trôi qua để xem những loại vắc xin này tồn tại trong bao lâu", chuyên gia WHO nói.

Theo CDC Mỹ, vắc xin có hiệu quả song không có vắc xin nào ngăn ngừa bệnh tật 100%. Thường mất khoảng 2 tuần để cơ thể xây dựng sự bảo vệ sau khi tiêm phòng, vì vậy một người có thể mắc bệnh nếu vắc xin chưa có đủ thời gian để bảo vệ.

Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ những người được tiêm phòng đầy đủ vẫn bị nhiễm nếu họ tiếp xúc với virus gây bệnh, thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ hơn. Có một số bằng chứng cho thấy việc tiêm phòng có thể làm cho bệnh bớt trầm trọng hơn ở những người đã tiêm phòng nhưng vẫn bị bệnh.

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Hiệu quả bảo vệ của vắc xin kéo dài bao lâu? - 2

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho biết các vắc xin Covid-19 khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau có loại đạt trên 90% nhưng cũng có loại chỉ đạt trên 60%. Tuy vậy chắc chắn việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ làm giảm nhẹ được triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.

Vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không. Tuy nhiên, việc tiêm sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Như vậy, đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chắc chắn về công dụng của những loại vắc xin này, rằng liệu nó có bảo vệ mọi người khỏi nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không và liệu nó có bảo vệ khỏi việc làm lây truyền bệnh cho người khác hay không.

Vì thế, dù đã tiêm vắc xin, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ khi bắt đầu dịch đến nay, thế giới đã ghi nhận Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay ghi nhận khoảng 220 triệu ca Covid-19, có hơn 4,5 triệu ca tử vong.

Tại châu Âu, WHO ngày 30/8 cảnh báo, đến tháng 12/2021 có thể sẽ có thêm 236.000 người tử vong do Covid-19, qua đó báo động gia tình trạng gia tăng lây nhiễm cũng như công tác tiêm phòng đình trệ ở châu lục này. Con số dự báo được đưa ra dựa trên số ca tử vong do Covid-19 thực tế tại châu Âu trong một tuần qua (tăng 11%). Lãnh đạo WHO châu Âu nhấn mạnh, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu hiện nay rất đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng trong các nhóm người ưu tiên tại một số quốc gia ở mức thấp.

Đến nay, khoảng 50% dân số châu Âu đã hoàn thành tiêm phòng. Trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm tại châu Âu đã giảm 14% do tình trạng thiếu vắc xin và nhiều loại vắc xin chưa được cấp phép tại nhiều nước.

Tại châu Á, các nước Đông Nam Á vẫn đang gồng mình khống chế sự bùng phát dịch Covid-19 do biến thể Delta.

Tại Việt Nam, đến tối 1/9, đã có 473.530 ca mắc Covid-19, với 11.868 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc của nước ta hiện cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới (2,5% so với 2,1%). Về tỷ lệ số ca mắc trên một triệu dân, Việt Nam đang đứng thứ 161 trên 222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm