Ho khan, tức ngực 10 ngày, vào viện đã ung thư phổi giai đoạn muộn

Hà An

(Dân trí) - Người đàn ông 62 tuổi vào viện khám với biểu hiện đau tức ngực, ho khan. Bác sĩ phát hiện ông có khối u ở phổi phải.

Bệnh nhân là ông Nguyễn V.X, 62 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Trước khi vào viện 10 ngày, ông thấy có biểu hiện đau tức âm ỉ vùng ngực bên phải, kèm ho khan. Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông được được chụp cắt lớp vi tính và phát hiện khối u phổi phải. Ông được chỉ định nhập viện Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu để chẩn đoán xác định và điều trị.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thể trạng trung bình (nặng 63kg). Các xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận… đều trong giới hạn bình thường. Kết quả nội soi dạ dày, đại tràng cũng chưa phát hiện bất thường. 

Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy hình ảnh khối u thùy dưới phổi phải xâm lấn màng phổi phải, hạch trung thất hai bên. Ông được tiến hành sinh thiết khối u phổi phải dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính, cho kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô tuyến. Bệnh nhân có đột biến xóa đoạn của gen EGFR trên exon 19, không phát hiện đột biến T790M trên exon 20.

Ho khan, tức ngực 10 ngày, vào viện đã ung thư phổi giai đoạn muộn - 1

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính của bệnh nhân trước điều trị, sau điều trị ở thời điểm 3 tháng và 8 tháng.

Ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi phải di căn hạch trung thất hai bên giai đoạn T3N3M0 (giai đoạn IIIC). Bác sĩ chỉ định dùng thuốc ức chế TKIs: Afatinib (Giotrif) 40mg/ngày, uống hàng ngày và khám lại định kỳ 1 tháng 1 lần. 

Đến nay sau 8 tháng điều trị, bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn với phương pháp điều trị. Bệnh nhân được tiếp tục điều trị duy trì bằng Afatinib 40 mg/ngày, khám lại định kỳ 1 tháng/1 lần, hết ho khan, đỡ đau tức ngực. Hình ảnh khối u thùy dưới phổi phải gần như biến mất hoàn toàn chỉ còn dải xơ xẹp, không phát hiện hạch trung thất. 

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, đây là trường hợp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IIIC được điều trị thành công và ổn định. 

Tại nước ta hiện nay ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 sau ung thư gan. Hiện nay đã có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch… Tùy thuộc giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, các xét nghiệm đột biến gen EGFR, ALK… mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cũng như phối hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

Sự ra đời của thuốc điều trị đích là bước tiến lớn của y học thế giới, góp phần giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống ở các bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn muộn. 

Phương pháp điều trị nhắm vào đích EGFR (yếu tố kích thích tăng sinh biểu mô) gồm: thuốc ức chế enzyme tyrosin kinanse (TKIs) thế hệ 1: Gefitinib, Erlotinib và thế hệ 2: Afatinib, thế hệ 3: Osimertinib. Nhóm thuốc TKIs là lựa chọn bước 1 với bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến có đột biến EGFR, đặc biệt là đột biến tại các exon 19 và 21 sẽ làm tăng sự nhạy cảm của thuốc.

Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4. Lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hóa chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.

Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng sớm của bệnh ung thư phổi khác nhau tùy mỗi người. Người bệnh có thể có biểu hiện ho kéo dài không rõ nguyên nhân, ho ra máu, đau ngực, khó thở, gày yếu, sút cân. Ở giai đoạn sớm bệnh phát triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng.