Ung thư phổi có phòng ngừa được không?
(Dân trí) - Ung thư phổi đứng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới, chỉ sau ung thư gan. Tiên lượng bệnh còn rất dè dặt do bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn.
Năm 2020, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cho 23 797 người Việt. Cũng trong năm vừa qua, nước ta ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi. Ung thư phổi được xếp vào nhóm khó phát hiện ở giai đoạn sớm.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính. Trong nhiều năm qua, dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc nhắm trúng đích liên tục được cập nhật) nhưng tiên lượng vẫn còn rất dè dặt. Tỷ lệ tử vong vẫn cao.
Ung thư phổi khiến người bệnh bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.
Đáng lưu ý, theo PGS Quảng, ngay cả khi phát hiện rất sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ 8- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm.
Ngoài ra, hiện cũng chưa có một xét nghiệm nào được khuyến cáo để sàng lọc phát hiện sớm bệnh. Vì thế, chiến lược tốt nhất vẫn là dự phòng bệnh.
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư phổi là không hút thuốc lá, do người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn rất nhiều (khoảng 20 lần) so với người không hút thuốc lá. Nếu bạn vẫn còn hút thuốc, hãy bỏ thuốc vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Ngoài ra chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều vitamin, rau xanh, củ quả; đặc biệt xây dựng bài tập, vận động, sinh hoạt cá nhân hợp lý sẽ giúp bạn phòng ngừa căn bệnh này và đừng quên tầm soát ung thư phổi hàng năm để kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời.