Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi

Hà An

(Dân trí) - Năm 2020, ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cho 23.797 người Việt; đồng thời ghi nhận 26.262 ca mắc mới ung thư phổi.

Tại Việt Nam ung thư phổi đứng thứ hai trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới, chỉ sau ung thư gan. Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi - 1

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi cao do bệnh thường được chẩn đoán vào giai đoạn tiến xa. Trong giai đoạn đầu, tổn thương còn khư trú, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh.  

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài. Khó thở, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư phổi. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi.

Theo TS Hòa, ho gặp trong khoảng 80% bệnh nhân, thường thay đổi về tần suất và mức độ trên người hút thuốc, có thể ho khan hoặc ho kèm theo khạc đờm.  

Nguyên nhân gây ung thư phổi 

Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm: suy giảm miễn dịch, những biến đổi bên trong hệ thống gen và tác động bên ngoài môi trường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi - 2

"Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyrene là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm", TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội).

Theo TS Kiểm, vì vậy có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại Bệnh viện K, ghi nhận không ít những bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Cùng với đó, việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.

Môi trường làm việc cũng là yếu tố cũng tác động gây bệnh ung thư phổi. Những người tiếp xúc với khói, bụi cũng có nguy cơ cao bị ung thư phổi đặc biệt là trong quá trình luyện thép, niken, crom và khí than, bụi kim loại.

Tiếp xúc với tia phóng xạ có nguy cơ bị các bệnh ung thư trong đó có cả ung thư phổi. Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hematite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.