1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Một tuần như "trời hành" của cô gái trẻ bị muỗi đốt

Minh Nhật

(Dân trí) - "Có đêm tôi nôn đến hơn 10 lần. Cơn buồn nôn khiến tôi gần như thức trắng. Cứ thiu thiu chợp được mắt, trong bụng lại gợn lên, phải gượng dậy nôn khan", cô gái chia sẻ.

Sốt "chớp nhoáng", đầu đau như điện giật

21h, thứ 3, Hằng (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, sống tại Cầu Giấy (Hà Nội) trở về nhà sau bữa ăn tối thì bất ngờ cảm thấy người yếu đi.

Tưởng rằng chỉ là dấu hiệu cơ thể mất sức sau cả ngày dài làm việc, nhưng 30 phút sau, cô gái trẻ đã lên cơn sốt cao.

"Cặp nhiệt độ, tôi giật mình khi phát hiện thân nhiệt đã lên tới 39 độ C", Hằng chia sẻ.

Hà Nội: Một tuần như trời hành của cô gái trẻ bị muỗi đốt - 1

Hằng luôn tự tin về sức khỏe của mình vì cô có lối sống lành mạnh, thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể thao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cơn sốt chớp nhoáng cũng mở đầu cho hơn một tuần lễ như "trời hành" vì sốt xuất huyết của cô gái trẻ này.

Sau liều thuốc hạ sốt trước khi đi ngủ, Hằng thức dậy vào sáng hôm sau, cơn sốt đã hoàn toàn biến mất.

Hằng nhớ lại: "Tôi tưởng đã khỏi bệnh, đi tắm sớm và đi làm như thường lệ, còn nghĩ rằng mình may mắn vì hồi phục nhanh".

Niềm vui không kéo dài được bao nhiêu khi khoảng 8h, cơn sốt đã quay trở lại, vẫn bất ngờ và diễn biến nhanh như lần sốt trước. Cô phải xin nghỉ việc và nằm li bì trên giường.

Hằng mô tả triệu chứng của mình lúc đó y hệt như lần đầu tiên tiêm vaccine Covid-19: Đau đầu, đau hốc mắt, sốt cao, người đau nhức, cơ thể như đi mượn, rét run. Đáng sợ nhất là những cơn đau đầu như điện giật liên hồi.

"Tôi gần như không thể làm được gì vì đau nhức người và mệt. Thậm chí, nằm trên giường quá lạnh, tôi muốn lấy thêm cái chăn ở cuối giường để đắp nhưng không nhấc nổi người", Hằng rùng mình kể lại.

Đến trưa, Hằng gắng gượng ăn bát cháo được đặt giao tận phòng, uống nước cam và uống thuốc hạ sốt.

Điều bất ngờ là chỉ 30 phút sau khi uống thuốc, các triệu chứng lại mất sạch, người chỉ còn cảm thấy hơi mệt và nhức.

"Giống như mình chưa từng mắc bệnh. Tôi thậm chí còn ngồi làm việc từ xa, ăn uống và nói chuyện với bạn cùng phòng qua điện thoại một cách bình thường", Hằng nói.

Cơn sốt lại một lần nữa ập đến sau khoảng 2 tiếng rưỡi tạm thoái lui. Cô gái trẻ nằm li bì trên giường từ 16h. Phải đến khi bạn cùng phòng đi làm về (khoảng 19h30), Hằng mới tỉnh lại. Lúc đó, cô sốt 40 độ C, người rét run, rất đau. Diễn biến bệnh quá nhanh và bất thường khiến bạn cùng phòng của Hằng cũng bị hoảng.

Tối đó, Hằng tiếp tục uống thuốc hạ sốt nhưng lần này công dụng không còn thần kỳ như trước. Cô chỉ cắt cơn sốt được một lúc rồi đâu lại vào đấy.

Một đêm nôn hơn 10 lần, vào viện trong đêm

Sang ngày thứ hai, Hằng hạ sốt, nhiệt độ chỉ duy trì 38-39 độ C. Tuy nhiên, cô vẫn kiệt sức, đau nhức khắp người. Giai đoạn này vì không sốt cao nên Hằng không tiếp tục uống thuốc hạ sốt.

"Người tôi như mất hết sức lực. Cả ngày không ăn được gì, kể cả cháo, nên càng về cuối ngày lại càng lả đi vì mất sức. Thời điểm này tôi cũng không nghĩ rằng mình mắc sốt xuất huyết, dù biết Thủ đô có dịch.

Chỉ nghĩ đơn giản là do không ăn nên mới mệt như thế", Hằng nói.

Hà Nội: Một tuần như trời hành của cô gái trẻ bị muỗi đốt - 2

Hằng phải vào viện trong đêm vì sốt cao (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đáng chú ý, thời điểm này, Hằng bắt đầu xuất hiện triệu chứng buồn nôn. Trong bụng trống rỗng nên cô chủ yếu là nôn khan.

Đây cũng là một trong những triệu chứng khiến cô ám ảnh nhất trong suốt quá trình mắc sốt xuất huyết của mình.

Hằng mô tả: "Có đêm tôi nôn đến hơn 10 lần. Cơn buồn nôn khiến tôi gần như thức trắng đêm. Cứ thiu thiu chợp được mắt, trong bụng lại "dợn" lên lại phải gượng dậy nôn khan.

Phải đến hôm sau, tôi có kinh nghiệm kê gối ở sau lưng để giữ người ở tư thế "nửa nằm, nửa ngồi" thì mới ngủ được đôi chút".

Sang ngày thứ ba, Hằng lại chuyển sốt cao. Thân nhiệt thường xuyên duy trì ở ngưỡng 40 độ C. Tình trạng buồn nôn không hề thuyên giảm. Bên cạnh đó, Hằng cũng không thể đi vệ sinh, bụng lúc nào cũng trong trạng thái căng tức.

Khoảng 23h, cô quyết định vào viện vì nghĩ rằng tiếp tục điều trị ở nhà không còn hiệu quả. Hằng mô tả lúc đi vào viện cô phải mặc 2 chiếc áo khoác dày vì lạnh.

Cô gái nói: "Lúc này tôi cũng có kết quả xét nghiệm mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, kết quả đo huyết áp vẫn ở ngưỡng bình thường. Tôi được truyền hai bình dịch xuyên đêm ở bệnh viện.

Đến khoảng 6h, tôi được các bác sĩ tại bệnh viện cho về và được khuyến cáo tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Khi có dấu hiệu bất thường phải vào viện ngay".

Tiểu cầu giảm, xuất hiện tình trạng chảy máu

Ngày thứ tư bị sốt xuất huyết của Hằng trôi qua "nhẹ nhàng" hơn. Người cô không còn đau nhức nhiều, đã bắt đầu ăn và hoạt động nhẹ được, không sốt quá cao.

Đáng chú ý, Hằng xuất hiện tình trạng chảy máu ở chân răng, đặc biệt là sau khi đánh răng xong nhưng theo cô là không nhiều và nhanh cầm máu.

Bên cạnh đó, thời điểm này, cô vẫn chưa thể đi vệ sinh được và tình trạng nôn khan vẫn tiếp diễn.

Tiểu cầu giảm, giai đoạn nguy hiểm bắt đầu.

Ngày mắc bệnh thứ 5, Hằng đến viện tái khám và xét nghiệm tiểu cầu. Kết quả cho thấy tiểu cầu giảm mạnh.

Hằng chia sẻ: "Lần xét nghiệm máu trước đó, tiểu cầu của tôi là 149G/L. Tuy nhiên, lần này tiểu cầu chỉ còn 70G/L. Bác sĩ khuyên tôi nên nhập viện luôn vì đây là giai đoạn sốt xuất huyết thường diễn biến nặng".

Mặc dù lúc này tiểu cầu giảm nhưng Hằng cho biết, mình lại cảm thấy dễ chịu hơn giai đoạn trước đó. Cô không còn nằm liệt như những ngày trước, có thể nói chuyện vui vẻ bình thường với bạn bè.

Vấn đề khó chịu nhất lúc này là tình trạng bụng căng tức và chưa đi vệ sinh được.

Trong thời gian nằm viện, theo Hằng, các y bác sĩ chủ yếu theo dõi các chỉ số sức khỏe, triệu chứng và truyền dịch.

Hàng ngày Hằng cũng phải uống cả vốc thuốc với đủ loại từ thuốc dạ dày, men tiêu hóa, thuốc hạ sốt…

Giảm 4kg sau một tuần mắc sốt xuất huyết

Ngày thứ 6 và thứ 7 của bệnh là giai đoạn Hằng bắt đầu hồi phục. Tình trạng nôn khan không còn khiến cô dễ chịu hơn rất nhiều vì đã có thể ngủ ngon.

Hằng tăng cường bồi bổ sức khỏe bằng trái cây, cháo và sữa. Các chỉ số dần ổn định, tiểu cầu tăng trở lại nên Hằng cũng được cho xuất viện. Tuy nhiên, cô vẫn duy trì truyền dịch định kỳ vài ngày một lần, trong gần một tuần sau đó vì người vẫn mất sức, chưa hồi phục hẳn.

Nhìn lại một tuần vật lộn với sốt xuất huyết, cô gái trẻ vẫn rùng mình. "Tôi chưa bao giờ phải trải qua một trận ốm nặng nề như vậy. Sau một tuần mắc bệnh, tôi giảm 4kg. Lần bị sốt xuất huyết này cũng khiến tôi ý thức hơn trong vấn đề phòng bệnh", Hằng nói.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang ở đỉnh

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6/11, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong.

Trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 2.400-2.700 trường hợp.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca).

Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tăng cao trong những tuần tới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết các chuyên gia khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, đặc biệt là người ở khu vực có dịch, người có bệnh nền tuyệt đối không tự điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

Trong giai đoạn nguy hiểm, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như: thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.