3 tuần "oằn mình" của bà mẹ bỏ việc chăm 2 con mắc sốt xuất huyết
(Dân trí) - Suốt 3 tuần bỏ hết công việc, oằn mình lo cho 2 con bị sốt xuất huyết, người phụ nữ lấy hành lang cầu thang bệnh viện là chỗ ngả lưng mỗi khi mệt lả.
"Hôm đó, bé B. đang truyền kháng sinh, tay chảy nước vì vỡ mạch máu, lại nhiễm trùng. Con lớn chưa khỏe, chồng tôi mới về đi làm vài ngày thì gia đình báo tin con nhỏ lại mắc sốt xuất huyết. Tôi nghe muốn ngất xỉu, tay chân run không thể gọi ai…"
Chị T.T.N. (42 tuổi, ngụ tỉnh Long An), nói với phóng viên Dân trí khi đã có tuần thứ 3 ăn ngủ tại bệnh viện, vì các con lần lượt mắc căn bệnh nguy hiểm.
3 tuần lấy bệnh viện là nhà
Theo lời kể của chị N., nửa đêm một ngày tháng 10, bé Q.B. (con lớn chị N.) xuất hiện triệu chứng khó chịu. Nghe cháu than mệt, bà ngoại lấy viên sủi cho uống nhưng đến rạng sáng hôm sau bé tái sốt. Lúc này, gia đình dùng cả thuốc trữ sẵn trong nhà lẫn ra tiệm mua thuốc cho bé uống nhưng mọi thứ không cải thiện.
"Tôi sợ bé ăn uống không tiêu nên sinh bệnh, vì hôm trước bé có dùng món heo giả cầy. Đến chiều, gia đình đưa cháu ra phòng mạch gần nhà kiểm tra thì phát hiện bé sốt hơn 41 độ C. Bác sĩ yêu cầu con tôi đi bệnh viện thử máu lập tức, vì sốt quá cao. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, bé dương tính với sốt xuất huyết", người mẹ kể.
2 ngày liên tục, bệnh nhi được truyền dịch. Khi có dấu hiệu hạ sốt, tay cháu bé bất ngờ vỡ mạch máu, sưng phù ở vị trí lấy ven, kèm thêm tình trạng nói sảng. Lúc này, gia đình xin lên tuyến trên theo yêu cầu.
Chỉ vài tiếng sau khi vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1, bé phải chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) trong tình trạng bệnh nặng, phải thở oxy. Trải qua 2 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi được chuyển xuống khoa Sốt xuất huyết - Huyết học.
Đến ngày 20/10 - thời điểm đã có hơn 1 tuần nghỉ việc để lên TPHCM lo cho con - người mẹ tiếp tục nhận hung tin bé T.H. (9 tuổi, con út) cũng phát hiện mắc sốt xuất huyết, phải điều trị ở tuyến tỉnh. Vì bà ngoại ở quê lớn tuổi, gia đình chị N. xin chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để mẹ tiện chăm sóc cả hai anh em.
"Hôm con út tôi nhập viện thì giường bệnh đang kín. Anh lớn nằm lâu đã khỏe hơn nên nhường giường cho em út, xuống đất nằm. Chồng tôi vừa về quê làm được ít hôm lại phải xin nghỉ để phụ tôi. Hai vợ chồng thay phiên nhau, hễ mẹ vào phòng chăm thì ba ra nằm ngoài hành lang cầu thang nghỉ, và ngược lại", chị B. tâm sự.
Từ ngày các con lần lượt mắc sốt xuất huyết, chị N. phải xin nghỉ công việc kế toán dài hạn. Tuy nhiên, vì chị phụ trách khâu làm chế độ lương cho cơ quan, nhiều thời điểm phải tranh thủ tự giải quyết các báo cáo, cung cấp các số liệu từ xa để đồng nghiệp xử lý, rất bất tiện.
Riêng người chồng phải xin nghỉ việc công ty thủy sản 2 lần, thu nhập cũng ảnh hưởng lớn. Đến nay, vợ chồng họ đã đóng tổng viện phí cho các con gần 10 triệu đồng, ngoài ra còn có gánh nặng sinh hoạt.
"Lúc đầu, chồng tôi còn chịu khó đem đồ dơ của mấy mẹ con về giặt, nhưng sau đó vì không kịp di chuyển, chúng tôi buộc phải mang ra gần viện giặt mướn. Ăn uống thì mua cơm hộp bên ngoài, mỗi ngày tốn khoảng 200.000 đồng.
Cháu lớn của tôi vừa được cho xuất viện. Tôi mong muốn bé út cũng sớm khỏe để về nhà. Thực sự 3 tuần qua khi 2 con bệnh sốt xuất huyết, tôi mới thấy nằm viện cực đến thế nào. Khu nhà tôi ở đến nay đã có 5-6 người lớn mắc bệnh, giống như ổ dịch rồi.
Hôm qua, chị dâu của tôi cũng vừa chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM vì sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm thấp", người phụ nữ tiết lộ.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé T.H. nhập viện trong tình trạng sốt xuất huyết ngày thứ 5 có dấu hiệu cảnh báo, dư cân, đau bụng, ói nhiều, gan to kèm theo dấu hiệu thất thoát huyết tương, cô đặc máu.
Bệnh nhi được chuyển vào phòng cấp cứu truyền dịch, hiện tình trạng đã ổn. Nếu không có gì thay đổi, bé sẽ được xuất viện sớm.
Theo bác sĩ Tuấn, khu vực phía Nam đang là mùa mưa, số ca nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết đã tăng so với những tuần trước đây. Hiện có khoảng 25 trường hợp bệnh phải điều trị nội trú tại khoa, với trung bình 5 ca sốt xuất huyết mới nhập viện mỗi ngày.
Dù so với cùng kỳ năm 2022, lượng bệnh sốt xuất huyết có giảm, nhưng một số địa phương tại phía Nam vẫn có tình hình dịch đáng lo ngại, khi có nhiều ca bệnh nặng, như ở tỉnh Sóc Trăng, khu vực Tây Nguyên.
Do đó theo chuyên gia, dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm 2023 vẫn còn diễn biến khá phức tạp, đòi hỏi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Sốt xuất huyết xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người dư cân, có bệnh nền, người trong độ tuổi lao động.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng, diễn tiến đến sốc, suy đa cơ quan, tổn thương gan thận và hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp. Thậm chí, có những trường hợp đã không qua khỏi.
Theo kết quả giám sát của Viện Pasteur TPHCM, khu vực phía Nam đã có 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết trong năm, bao gồm 1 ca sống tại TPHCM.
Những người mẹ thức trắng đêm vì con
Xế chiều, căn phòng cấp cứu của khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vẫn vang vọng nhiều tiếng trẻ con khóc. Ngay chiếc giường trước cửa, một người mẹ liên tục vuốt ngực, trấn an bé trai đang khó chịu trong người, nhăn mặt và khóc vì đau.
Đó là hai mẹ con chị Minh Huyền (quê Bình Phước) và bé Thiên (4 tuổi, tên đã thay đổi). Một tay chăm con lớn, chị tranh thủ gọi về cho ông bà để hỏi thăm tình hình 2 con gái mới 2 tuổi và 3 tuổi có ổn không, khi mẹ phải lên TPHCM lo cho anh.
"Bé bị đau mắt, sốt và ói. Uống thuốc ở quê không hết mà cứ hành hoài, nên tôi đưa bé lên đây luôn. Trước giờ gia đình chưa có ai bị bệnh, nên tôi lo lắm…", chị Huyền nói khi nghe bác sĩ thông báo con có thể phải nằm theo dõi kéo dài.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm cho biết, bệnh sử cho thấy bé có 2-3 ngày sốt, mệt tại nhà nhưng uống thuốc không khỏi. Thời điểm chuyển từ bệnh viện ở Bình Phước đến tuyến trên, bé đã lâm vào tình trạng sốc, cô đặc máu.
Sau khi được xử trí theo phác đồ của Bộ Y tế, tình trạng huyết động của cháu bé ổn định, mức độ cô đặc máu giảm. Tuy nhiên, bé chỉ mới sốt trong ngày thứ 4 nên cần theo dõi sát trong những ngày tới, vì trẻ vẫn có thể tái sốc và biến chứng nặng (thông thường ở ngày 3-6 của bệnh).
Còn tại phòng số 27, hàng loạt ông bố, bà mẹ từ chỗ không quen biết đã trở thành bạn bè, khi những ngày qua cùng là phụ huynh chăm con bệnh.
Chị S., mẹ bé Nguyễn Ngọc (12 tuổi, tên đã thay đổi), chia sẻ, khi chuyển từ một bệnh viện tại tỉnh Đồng Nai đến Bệnh viện Nhi đồng 2, bé đã đông máu nặng, da tím tái. Liên tục 3 đêm qua, chị S. thức trắng vì con gái cứ than ngứa và trở mình khó chịu suốt, nên phải túc trực chăm sóc.
"Tôi là giáo viên cấp 1, nên có chú ý vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi kỹ nhưng không hiểu sao bé vẫn bệnh. Bác sĩ nói bé còn bị viêm đường tiết niệu, phải theo dõi, chưa biết khi nào về…", người mẹ vừa nói, vừa ái ngại nhìn con.
Tương tự, chị Thùy (44 tuổi, quê Ninh Thuận) mẹ bé Việt (5 tuổi, tên đã thay đổi), cũng phải nghỉ việc hơn một tuần để lo cho con, từ lúc bắt đầu sốt cao không hạ đến khi biến chứng ho nhiều, viêm phổi nặng vì sốt xuất huyết.
"Tối nào bé cũng than nóng và quấy khóc suốt, nên tôi cũng không thể ngủ. Nhà trọ của gia đình tôi ở phường Hiệp Bình Phước, nghe nói là 1 trong 2 nơi ở Thủ Đức có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất. Mấy ngày qua phường có gọi hỏi thăm để qua nhà tôi phun thuốc diệt muỗi. Bệnh tật như vầy cực khổ đủ thứ", chị Thùy tiết lộ.
Nguy cơ xung đột gia đình vì sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Lưu, thời gian gần đây khoa Nhiễm đã tiếp nhận rải rác các ca sốt xuất huyết nặng, tổn thương nhiều cơ quan. Hiện tại, thời tiết vẫn còn các đợt mưa bão, nên nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong năm vẫn hiện hữu.
Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày gần đây bệnh nhi sốt xuất huyết cần nhập viện trên dưới 10 ca. Trong đó, có 10-15% bệnh nặng. Hiện tại, có gần 20 ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại khoa Nhiễm, gấp đôi so với trung bình tháng trước. Song song đó, số ca tay chân miệng cũng có khuynh hướng gia tăng nhẹ.
Bác sĩ Lưu cũng nhìn nhận, thời gian nằm viện trẻ sẽ mệt mỏi, ăn uống kém, lừ đừ, cần theo dõi sát. Do đó, khi có em bé nhập viện vì sốt xuất huyết, gia đình sẽ phát sinh những "bất tiện vô hình", như cha mẹ phải nghỉ việc, mệt mỏi khi chăm sóc bé. Với những bé có chỉ định nhập viện sớm, thời gian nằm viện thường kéo dài.
"Đã có những trường hợp 2 anh, chị em ruột cùng nhập viện, hoặc một trẻ vừa xuất viện thì bạn khác lại nhập, khiến cha mẹ rất cực vì gia tăng thời gian phụ huynh phải ở lại viện lo cho con", bác sĩ chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn phân tích thêm, ngoài chuyện sức khỏe bị đe dọa, sốt xuất huyết còn gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề kinh tế - xã hội. Khi trẻ bệnh, nhiều cha mẹ phải tạm nghỉ việc để đưa con đi điều trị. Có những trường hợp nặng, không chỉ một mà 2 người lớn phải cùng chăm em bé, đồng thời tốn kém rất nhiều chi phí điều trị.
Nếu em bé đã đến tuổi đến trường sẽ phải xin nghỉ để điều trị, khiến việc học hành bị trì trệ, đặc biệt là trong giai đoạn diễn ra các kỳ thi.
Bên cạnh đó, có cha mẹ vì quá lo lắng cho con mà rơi vào trạng thái stress, trầm cảm, thậm chí xung đột, mâu thuẫn khi không sắp xếp được công việc, sinh hoạt để cùng chăm em bé, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Nhất là ở những gia đình có ít thành viên, người chăm sóc là lao động chính trong nhà.
Ở góc độ cộng đồng, một ca nhiễm sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan cho phường, xã, thôn xóm, tạo ra những ổ dịch, dẫn đến xuất hiện các ca bệnh mới và bệnh nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ, như sốt từ 2 ngày trở lên, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, da xuất huyết cần đưa đến ngay các cơ sở y tế và thực hiện xét nghiệm máu để xác định bệnh.
Để phòng bệnh, cần nhớ khẩu hiệu diệt muỗi và diệt lăng quăng, khi ngủ cần nằm trong màn cả ban ngày lẫn ban đêm… Khi trẻ đã nằm viện, cha mẹ cần phối hợp tích cực, tin tưởng và tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn chăm sóc từ nhân viên y tế để an tâm điều trị, giúp trẻ sớm vượt qua giai đoạn nguy hiểm, trở về với sinh hoạt bình thường.