Giao trách nhiệm cho địa phương trong phòng chống sốt xuất huyết

(Dân trí) - Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát và diễn tiến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cụ thể trong công tác phòng chống dịch cho các tỉnh Tây Nguyên.

Chiều ngày 7/8, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết (XSH) khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị

Tham dự hội nghị ngoài đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, còn có Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, lãnh đạo Viện vệ sinh dịch tế Tây Nguyên và lãnh đạo của 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo về tình trạng sốt xuất huyết của cả nước từ đầu năm 2016 đến nay với hơn 49 ngàn trường hợp mắc SXH tại 48 tỉnh/thành phố, 17 trường hợp tử vong. Trong đó khu vực miền Nam chiếm gần 60% số ca mắc cả nước; khu vực miền Trung ghi nhận hơn 25% và khu vực Tây Nguyên là 15%.

Tại Tây Nguyên, dịch xảy ra tại 48/50 huyện, thành phố của 4 tỉnh, trong đó Gia Lai (hơn 3.000 ca) và Đắk Lắk (1.800 ca) có số lượng mắc SXH cao nhất cả nước và đã có 4 bệnh nhân tử vong. Độ tuổi mắc SXH tại khu vực Tây Nguyên chủ yếu là người lớn (chiếm 74,6%).

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng của dịch SXH tại Tây Nguyên được nhận định là do thời tiết tại vùng này đang vào mùa mưa, ẩm thấp, nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Bên cạnh đó, hiện tượng Elnino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát sinh và phát triển.

Nhiều hộ dân chưa chủ động phòng chống bệnh, chưa ý thức trong sinh hoạt, có nhiều bồn nước, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc đậy không kín; nhiều chai lọ, chum vại chứa nước đọng.

Mặc khác, công tác tuyên truyền và đi phun hóa chất chưa thường xuyên. Bệnh dịch SXH thường có tính chu kỳ, cứ 3-5 năm lại có đợt bùng phát và tăng cao số mắc.

Tại hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền các cấp để tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp hiệu quả phòng chống SXH.

Thúy Diễm