Truy trách nhiệm vì số ca mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa không giảm

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 4.000 ca sốt xuất huyết (SXH) và có 4 ca tử vong. Số người mắc SXH không giảm đã được đưa ra, làm “nóng” kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi bệnh nhân nhí SXH ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cuối năm 2016 - Ảnh: Viết Hảo
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi bệnh nhân "nhí" SXH ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, cuối năm 2016 - Ảnh: Viết Hảo

Ngày 14/12, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI (2016-2021), trả lời chất vấn của đại biểu về trách nhiệm của ngành y tế đối với việc số ca mắc SXH qua hàng năm không giảm hoặc giảm không đáng kể, thậm chí ghi nhận số ca tử vong qua hàng năm, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tình hình SXH trên địa bàn Khánh Hòa diễn ra phức tạp, cứ chu kỳ 3-5 năm thì dịch SXH lại xuất hiện và tăng cao.

Trong năm 2015, số ca mắc SXH là hơn 9.000 ca, tăng kỷ lục so với các năm trước đó. Từ năm 2000 đến 2015, có những năm SXH lắng xuống như năm 2006 hơn 1.000 ca; năm 2011 hơn 800 ca. “Trên địa bàn Khánh Hòa, chúng ta xác định dịch SXH lưu hành và lưu hành quanh năm để có giải pháp phòng, chống hiệu quả hơn”, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa nhìn nhận.

Trước vấn đề đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - ông Bùi Xuân Minh đã đưa ra các giải pháp để giảm số ca mắc SXH như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống SXH đến người dân; phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, xác định địa bàn trọng điểm để có những giải pháp phòng, chống dịch kịp thời; phối hợp các địa phương triển khai công tác diệt lăng quăng, bọ gậy đến từng thôn xóm, tổ dân phố; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi; chú trọng công tác điều trị để giảm tử vong.

“SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và khi bị mắc phải bệnh này thì người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời, chứ không nên để quá nặng rồi mới đến bệnh viện. Tuy nhiên, tôi cho rằng, giải pháp căn cơ, lâu dài là tiến hành việc diệt lăng quăng, bọ gậy; việc phòng, chống muỗi đốt ở người dân”, ông Minh khuyến cáo.

Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc SXH và có 4 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca tử vong tăng 2 ca; hàng trăm ổ dịch đã được xử lý.

Viết Hảo