Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Đã có bệnh viện "thủng lưới", nợ nhiều mà không hay
(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, thực tế thời gian qua đã có bệnh viện "thủng lưới" về quản lý tài chính, quỹ âm, nợ nhiều mà không hay…
Nhiều bệnh viện triển khai hệ thống cảnh báo tình hình tài chính
Ngày 15/1, Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã diễn ra lễ ra mắt và bàn giao hệ thống cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện (HFS).
Đại diện đơn vị tạo ra hệ thống nêu trên chia sẻ, HFS được thực hiện xuất phát từ ý tưởng của Giám đốc Sở Y tế TPHCM, để giảm thiểu rủi ro về tài chính, giúp các bác sĩ tập trung vào công tác chuyên môn, khám chữa bệnh cho người dân.
Từ tháng 12/2023, hệ thống HFS đã được cài đặt cho Bệnh viện Nhi đồng 1. Ngoài ra, HFS đã được thực hiện xong ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM (từ tháng 5) và Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, cũng như đang triển khai ở Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
HFS cảnh báo tình hình tài chính với 5 nhóm màn hình báo cáo, gồm: báo cáo tổng quan tình hình hoạt động, báo cáo Dashboard (bảng điều khiển), báo cáo hiệu quả theo khoa phòng, màn hình quản trị và màn hình vận hành.
Có 7 nhóm chỉ tiêu quản trị bao phủ toàn bộ các nhóm vấn đề trong quản lý tài chính. Phía đơn vị thực hiện cũng không nắm quyền can thiệp và cam kết bảo mật thông tin của bệnh viện trong hệ thống.
"Giám đốc bệnh viện rất quan tâm đến chỉ số cảnh báo sụt giảm doanh thu phát sinh theo khoa khám chữa bệnh. HFS có chỉ số này và có phân tích doanh thu theo từng nghiệp vụ, báo cáo về quản trị chi phí.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng thể hiện tỷ lệ bệnh nhân nội trú/giường bệnh, năng suất lao động bình quân của nhân viên y tế, các chi phí hoạt động cụ thể cho từng hạng mục… Các chỉ tiêu quan trọng có thể được ghim lại để giám đốc dễ theo dõi", đại diện đơn vị thực hiện cho biết.
"Lưới bọc" cho các giám đốc bệnh viện
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, cái khó nhất và sợ nhất, dễ đưa đến thành công lẫn nguy cơ nhất cho giám đốc bệnh viện là việc quản lý tài chính.
Quá trình xây dựng, triển khai hệ thống trên của Bệnh viện Nhi đồng 1 là cả một quá trình chỉnh sửa, vừa làm, vừa học và tích lũy kinh nghiệm, và đến nay vẫn còn trong giai đoạn tinh chỉnh, trên cơ sở thực tế và văn bản tham chiếu.
"Ngày xưa bệnh viện không biết dòng tiền của mình trong ngân hàng bao nhiêu, khám chữa bệnh lời lỗ ra sao… bây giờ nhờ hệ thống đã biết được.
Và chúng ta có thể tối ưu nguồn lực, giảm thiểu chi phí, cải thiện khả năng dự báo tài chính, quyết định hỗ trợ chiến lược, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình… giúp cho ban giám đốc đỡ đau đầu hơn", bác sĩ Hùng nói.
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý, khi triển khai hệ thống cảnh báo tài chính cần thiết lập quy chế nhập liệu và bảo mật thông tin, thường xuyên kiểm tra và đối chiếu dữ liệu, dự báo tài chính và cảnh báo sớm. Ngoài ra, cần đào tạo liên tục và phát triển kỹ năng nhân viên.
"Chúng tôi mới kiểm tra chiều nay trên hệ thống, Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đạt khả năng tự chủ tài chính ở mức hơn 114%", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hệ thống cảnh báo tình hình tài chính sẽ là "lưới bọc" cho các giám đốc, khi thực tế thời gian qua đã có bệnh viện "thủng lưới", quỹ âm, nợ nhiều mà không hay…
Ông Thượng cho biết, vừa rồi Kiểm toán nhà nước đã nhắc nhở ngành y tế Thành phố, các bệnh viện phải tổ chức đơn vị kiểm toán nội bộ bắt buộc theo quy định. Hệ thống HFS sẽ giúp bệnh viện rất thuận lợi trong hoạt động trên, và Bệnh viện Nhi đồng 1 phải là đơn vị điểm về kiểm toán nội bộ.
Ông Thượng nhấn mạnh, khi sử dụng công cụ HFS hàng ngày sẽ làm thay đổi cả phương thức hoạt động của bệnh viện. Không chỉ giám đốc hay trưởng phòng tài chính, mà tất cả các trưởng khoa phải cùng tham gia việc này. Bệnh viện phải nâng lên thành quy định nội bộ, có kiểm tra, giám sát, để thực hiện tốt việc quản lý tài chính.
"Đây là phần mềm quản lý tài chính bệnh viện đầu tiên của cả nước, và cũng được đăng ký là 1 trong 62 sản phẩm đăng ký tham gia giải thưởng thành tựu y khoa", Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.