Giám đốc Sở Y tế TPHCM nêu 5 kiến nghị để quản trị bệnh viện công
(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế TPHCM kiến nghị, cần sớm có lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí; có cơ chế điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp từ những bệnh viện có nguồn thu lớn sang đơn vị khó khăn...
Tại hội nghị Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh 2024, vừa diễn ra ở Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã báo cáo về những thách thức đối với công tác quản trị bệnh viện trong giai đoạn hiện nay.
10 thách thức trong công tác quản trị bệnh viện công
Theo đó, ngành y tế Thành phố có nhiều yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Có thể kể đến như nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh; củng cố y tế cơ sở - phát triển y tế cộng đồng; chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoại viện; hình thành trung tâm y tế chuyên sâu khu vực ASEAN.
Theo ông Thượng, hiện nay, có 10 thách thức trong công tác quản trị bệnh viện công lập. Thứ nhất, cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện chậm được thay đổi để tương thích với mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị.
Thứ hai, năng lực quản lý tài chính bệnh viện chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nhằm đáp ứng những yêu cầu và quy định mới về tự chủ tài chính của y tế công lập. Thứ ba, nhiều quy định pháp luật mới liên quan đến y tế đòi hỏi các bệnh viện phải chủ động nắm bắt và kịp thời triển khai thực hiện, chủ động báo cáo những vướng mắc gặp phải về Sở Y tế.
Thứ tư, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa tương xứng sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Thứ năm, các bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển y tế chuyên sâu nhưng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), nhân lực CNTT chưa được đầu tư tương xứng.
Thứ sáu, hoạt động "hậu cần bệnh viện" (hospital logistics) là không thể thiếu trong công tác quản trị bệnh viện, nhưng chưa thật sự được đầu tư đồng bộ và đúng mức. Thứ bảy, việc phấn đấu được công nhận các chuẩn quốc tế về chất lượng, năng lực chuyên môn theo từng chuyên khoa chỉ mới được chú trọng ở số ít bệnh viện.
Thứ tám, thách thức trong tăng cường gắn kết với các trường đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe để phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, khi việc chọn cơ sở thực hành cần có cơ chế cạnh tranh lành mạnh.
Thứ chín, công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ quản lý và cán bộ quy hoạch để có thêm kinh nghiệm trong công tác quản trị chưa được quan tâm đúng mức. Thứ mười, cần nghiên cứu và vận dụng Nghị quyết 98 trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực có liên quan để phát triển bệnh viện.
Giải pháp và kiến nghị của Giám đốc Sở Y tế TPHCM
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, cần tập trung nghiên cứu, triển khai 10 nhóm giải pháp để quản trị bệnh viện công. Đầu tiên, triển khai giải pháp tầm quản lý ngành có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của các bệnh viện trực thuộc.
Cụ thể là các đề án phát triển Ngành y tế Thành phố; định hướng triển khai các kỹ thuật chuyên sâu theo hướng tăng độ bao phủ mô hình bệnh tật, tránh đầu tư trùng lắp gây lãng phí. Kế đến, triển khai thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện và mô hình Hội đồng quản lý bệnh viện.
Ngành y tế cần nghiên cứu, triển khai thí điểm ứng dụng cảnh báo quản lý tài chính dành cho Giám đốc bệnh viện. Song song đó, đầu tư nguồn lực hợp lý, triển khai hiệu quả hoạt động hậu cần bệnh viện.
Chú trọng, đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực CNTT của bệnh viện; Nghiên cứu, tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về phấn đấu đạt các chuẩn kỹ thuật và chuẩn chất lượng quốc tế.
Một giải pháp khác là xác định và đặt hàng đào tạo các loại hình nhân viên y tế đáp ứng nhu cầu phát triển của bệnh viện. Mỗi bệnh viện phấn đấu đạt chuẩn đào tạo thực hành cho các trường thuộc khối ngành sức khỏe.
Bệnh viện cần tích cực tham gia chương trình biệt phái, luân chuyển cán bộ quản lý và diện quy hoạch. Bên cạnh đó, cần học tập, nhân rộng những cách làm hay trong hoạt động quản trị bệnh viện; nghiên cứu, vận dụng "Sổ tay khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động quản lý chất lượng".
Ngoài ra, cần nghiên cứu, triển khai mô hình đơn vị R&D (hoạt động sáng tạo để tạo ra công nghệ và sản phẩm mới), xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong bệnh viện…
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng cũng nêu 5 kiến nghị với các ngành chức năng để phát triển việc quản trị bệnh viện công.
Thứ nhất, cần sớm có lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí. Thứ hai, cần có cơ chế điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp từ những bệnh viện có nguồn thu lớn/quỹ lớn cho những bệnh viện đang gặp khó khăn về nguồn thu, quỹ rất nhỏ hoặc không có do đặc thù chuyên môn, loại hình bệnh viện.
Thứ ba, sớm có hướng dẫn về tổ chức, bộ máy của các bệnh viện tự chủ nhóm 1, cụ thể là hình thành hội đồng quản lý bệnh viện. Thứ tư, luân chuyển vị trí công tác cho cán bộ thuộc diện quy hoạch để có thêm trải nghiệm trước khi nhận nhiệm vụ mới.
Thứ năm, tăng nguồn vốn từ ngân sách đầu tư cải tạo, nâng cấp sở hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng hồ sơ bệnh án điện tử dùng chung cho các bệnh viện công lập.
Báo cáo về chiến lược đánh giá chất lượng bệnh viện từ năm 2025, tiến sĩ, bác sĩ Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, theo định hướng của Bộ Y tế, Cục sẽ phối hợp các hội nghề nghiệp, Hội đồng Y khoa quốc gia, các chuyên gia, bệnh viện đầu ngành… trong việc tập huấn, cấp chứng chỉ đánh giá viên về đánh giá Bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, nâng cao...
Các trung tâm lâm sàng sau khi trải qua đánh giá sẽ được đề nghị công nhận Trung tâm lâm sàng xuất sắc. Khi các bệnh viện có Trung tâm lâm sàng xuất sắc sẽ có cơ hội thu hút người bệnh, gắn giá dịch vụ theo chất lượng.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Bệnh viện Hùng Vương đã chính thức đón Chứng nhận chất lượng bệnh viện quốc tế (ACHS). Theo Phó giáo sư Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện, việc một đơn vị y tế đạt được chứng nhận ACHS có nghĩa là nơi này đã tuân thủ, duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dịch vụ y tế, giúp đảm bảo sự an toàn và hài lòng của người bệnh.