Soi sức khỏe tài chính bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam
(Dân trí) - Sau năm cao điểm của dịch Covid-19, lợi nhuận sau thuế của Y khoa Hoàn Mỹ âm tới 50 tỷ đồng trong năm 2022. Việc kinh doanh thua lỗ làm ảnh hưởng tiêu cực tới các chỉ số tài chính khác.
Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với khoản lỗ 50 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi tới 285 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực y tế này lỗ 137 triệu đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của chủ chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ đạt 1.388 tỷ đồng, giảm khoảng 50 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (đo lường năng lực sử dụng và quản lý nợ của doanh nghiệp) tăng từ 2,26 lần vào cuối năm 2021 lên 2,51 lần vào cuối năm 2022; hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu thì tăng từ 1,6 lên 1,66.
Doanh nghiệp cũng cho biết tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lùi về mức âm 3,6%, cùng kỳ đạt gần 20%.
Công ty cổ phần Y Khoa Hoàn Mỹ được thành lập vào năm 2007, là bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Hiện doanh nghiệp sở hữu chuỗi 15 bệnh viện và 6 phòng khám.
Năm 2009, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng chọn quỹ ngoại VinaCapital và Deustche Bank làm nhà đầu tư với 20 triệu USD cho 44% cổ phần của Hoàn Mỹ.
Sau 2 năm, Hoàn Mỹ được bán cho Fortis Healthcare (Ấn Độ) với mức giá 64 triệu USD cho 65% cổ phần. Tiếp đó, đơn vị đến từ Ấn Độ lại nhượng 65% cổ phần Hoàn Mỹ cho Richard Chandler - tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Singapore, thu lợi 16 triệu USD.
Năm 2018, Y khoa Hoàn Mỹ huy động 2.330 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 6,64% cho kỳ hạn 5 năm và 6,74%/năm cho kỳ hạn 7 năm. Đợt huy động vốn của Y khoa Hoàn Mỹ được xem là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên thuộc lĩnh vực y tế. Đợt phát hành được thu xếp vốn bởi Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility - CGIF) - một quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Trong lần thay đổi vốn gần nhất vào tháng 4/2020, công ty đăng ký giảm vốn điều lệ từ 757 tỷ còn 392 tỷ đồng. Trong đó, 99,6% vốn điều lệ do nước ngoài nắm giữ với ba cổ đông là Hoan My SPV3 Limited (trụ sở tại British Virgin Island) nắm 44,4%, Hoan My SPV2 Limited (trụ sở tại Cayman Island) nắm 16,1%, Hoan My SPV1 Pte.Ltd (trụ sở tại Singapore) nắm 39,5%.