1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dị ứng nặng vì dùng thực phẩm chức năng

Không chỉ dị ứng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt... như thường thấy, nhiều ca dị ứng có nguyên do từ việc sử dụng thực phẩm chức năng, có ca rất nặng.

  

Dị ứng nặng vì dùng thực phẩm chức năng - 1

Bà Đậu Thị T. (Nghệ An) bị dị ứng nặng nghi do dùng thực phẩm chức năng “xách tay”

Vì muốn khỏe, muốn đẹp hơn

 

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, cho hay mô hình thuốc gây dị ứng đang có những thay đổi tương ứng với sự thay đổi nhu cầu dùng thuốc trong cộng đồng.

 

Trước đây, dị ứng xảy ra chủ yếu ở nhóm thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Hơn một năm trở lại đây, dị ứng gặp nhiều ở bệnh nhân dùng thuốc chữa bệnh gút, các sản phẩm bổ máu và đặc biệt là thực phẩm chức năng.

 

Đa số người bệnh nghĩ thực phẩm chức năng an toàn vì được chiết xuất từ thảo mộc, nhưng con số thống kê tại trung tâm lại cho thấy bệnh nhân ngộ độc thuốc đang tăng rõ ở người dùng thực phẩm chức năng. Chỉ hơn 2 tháng qua, trung tâm tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân bị dị ứng nặng do dùng các sản phẩm thực phẩm chức năng.

 

Bệnh nhân Đậu Thị T. (67 tuổi, Nghệ An) nhập viện với biểu hiện của hội chứng Steven Johnson điển hình: hai mắt dính lại không mở được, loét da nhiều vị trí, xuất hiện những bọng nước khổng lồ trên cơ thể. Theo lời kể của con gái bà T., bà bị tiểu đường nhiều năm, gần đây lại hay đau nhức các đầu ngón tay nên được bác sĩ kê toa thuốc trị bệnh kèm theo một loại thực phẩm chức năng có giá 400.000 đồng/hộp, không hề có hướng dẫn hay vỏ hộp đi kèm. Chỉ sau khi uống thuốc 3 ngày, bà T. đã cảm giác bứt rứt, khó chịu. Sang ngày thứ năm mắt bà đỏ ngầu rồi khép chặt dần lại, không mở ra được, khuôn mặt biến dạng, miệng phồng rộp và lịm đi không hay biết gì.

 

Chị Trần Mai A. (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bị mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống hai năm nay. Dù được bác sĩ giải thích đây là bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi, song điều trị sớm, đúng hướng, tuân thủ chặt chỉ định thuốc của bác sĩ thì có thể “chung sống hòa bình” với bệnh, nhưng chị A. vẫn cố công tìm cách chữa khỏi bệnh. Do đó, khi nghe quảng cáo về loại thực phẩm chức năng chữa được các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, chị A. vội mua về dùng ngay thay cho đơn thuốc hằng ngày.

 

Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày sử dụng trên người chị bắt đầu xuất hiện các đám ban đỏ rực, bong tróc da và ngứa ngáy toàn thân. Khi đã ngưng dùng thực phẩm chức năng, các đám ban đỏ vẫn tiếp tục xuất hiện dày thêm trên các vùng khác của cơ thể. Kết quả xét nghiệm tại trung tâm cho thấy chị bị dị ứng nặng với loại thực phẩm chức năng mới dùng.

 

Không nên vội tin quảng cáo

 

Tại trung tâm, bệnh nhân dị ứng vì thực phẩm chức năng rất đa dạng: người chọn thực phẩm để làm đẹp, tăng cân, giảm cân, tăng sinh lý, điều trị bệnh hiểm nghèo..., thậm chí nhiều người vào viện vẫn khăng khăng “thuốc cung cấp tế bào gốc, chữa bách bệnh, sao lại gây ngứa ngáy, phồng rộp, hại gan, thận...”.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, các loại thực phẩm chức năng thường được bào chế từ thảo mộc nên có thành phần khá phức tạp, khó xác định, gây ra nhiều phản ứng phụ khác nhau. Ngay cả tại các nước Anh, Mỹ, hằng năm cũng có cả nghìn trường hợp chịu tác dụng phụ không mong muốn do sử dụng sản phẩm bổ trợ này. Do đó, người bệnh không nên vội tin vào những quảng cáo quá đà của những loại thực phẩm chức năng chưa được kiểm chứng tác dụng thật sự.

 

Nguy cơ dị ứng thuốc tăng cao ở nhóm phụ nữ mang thai và thời kỳ cho con bú, các bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính, đang trong giai đoạn stress... Do đó, những đối tượng kể trên cần thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc chưa sử dụng bao giờ. Khi có dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc: sốt, mệt mỏi khác thường, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, ngứa nổi mẩn trên da... cần đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng đáng tiếc.

 

Theo Ngọc Hà

Tuổi trẻ