Đi khám sau khi bị chảy máu bất thường mới biết ngộ độc thuốc chuột
(Dân trí) - Bệnh nhân rối loạn đông máu do thuốc diệt chuột, nếu không được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi xuất hiện tình trạng khó chịu, đau bụng, buồn nôn, bà P.T.H., được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định ngay trong đêm để thăm khám. Qua khai thác bệnh sử, bà H. cho biết, vào 10h sáng hôm đó có uống nhầm thứ bột màu xanh do để lẫn với đồ ăn. Tuy nhiên, sau khi uống xong thấy không có triệu chứng gì nên bệnh nhân đi ngủ và không báo cho gia đình biết. Các triệu chứng bất thường chỉ bắt đầu xuất hiện vào tối cùng ngày.
Tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định, bệnh nhân được xử trí rửa dạ dày, uống than hoạt tính, sorbitol sau đó chuyển Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột wafarin, có tình trạng rối loạn đông máu nặng. Mặc dù vậy, thời điểm nhập viện, bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không có tình trạng chảy máu ngoài, da và niêm mạc hồng, tổ chức dưới da không phù, không xuất huyết.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam ở Hải Dương, sau khi uống nhầm thuốc diệt chuột, bệnh nhân không thấy xuất hiện triệu chứng lâm sàng nên chủ quan không đến bệnh viện. Phải 2 ngày sau, bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng và được gia đình đưa vào bệnh viện ở Hải Dương. Qua thăm khám, bệnh nhân được xác định rối loạn đông máu rất nặng, phải truyền cả máu và thuốc, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Thời gian vừa qua, gần như tuần nào, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột. Điều đáng nói là hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện sau nhiều giờ đồng hồ, thậm chí là nhiều ngày sau khi uống thuốc diệt chuột, làm lỡ đi thời gian vàng để chữa trị.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trên thị trường có rất nhiều loại hóa chất diệt chuột. Các loại thuốc diệt chuột trước đây thường gây co giật, rối loạn nhịp tim rồi dẫn đến tử vong và hiện đã bị cấm. Loại thuốc diệt chuột phổ biến hiện nay, vẫn được quảng cáo là thuốc diệt chuột "sinh học", lại gây rối loạn đông máu. Khi uống vào không gây biểu hiện ngay mà tác động âm thầm. Do đó, rất khó để phát hiện sớm tình trạng ngộ độc thuốc diệt chuột.
"Đặc tính của loại thuốc diệt chuột này là có rất nhiều chất, trước đây chỉ có wafarin nhưng bây giờ còn nhiều loại hóa chất cùng nhóm đó. Các hóa chất này gây độc kéo dài và đặc tính là uống vào không có biểu hiện gì đặc biệt ngay. Thuốc âm thầm gây rối loạn đông máu. Những tiếng đầu, thậm chí là vài ngày đầu bệnh cảnh rất nghèo nàn, gần như không có triệu chứng gì cả. Có thể tới 3 ngày sau khi uống, xét nghiệm mới thấy rối loạn đông máu. Nhiều trường hợp bệnh nhân thấy chảy máu như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, các vết thương khó cầm máu đến viện khám mới phát hiện rối loạn đông máu do thuốc diệt chuột", BS Nguyên phân tích, "Có nhiều người khi bị chảy máu không rõ tại sao. Đến khi làm xét nghiệm lại phát hiện hóa chất diệt chuột trong máu. Bệnh nhân thậm chí còn không nhớ nhiễm độc từ bao giờ".
Bệnh nhân rối loạn đông máu do thuốc diệt chuột, nếu không được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, khi bệnh nhân chảy máu ở các cơ quan quan trọng, đặc biệt là chảy máu não thì nguy cơ cao để lại di chứng sau này.
Các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột dạng này thường sẽ được truyền máu, truyền huyết tương, thuốc giải độc, vitamin K1. Khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn, các bác sĩ có thể sẽ chuyển sang cho bệnh nhân uống thuốc, để tạo điều kiện để bệnh nhân về nhà điều trị. Mỗi tháng các bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám.
Đáng nói, theo BS Nguyên, các hóa chất trong thuốc diệt chuột có thể tồn tại trong cơ thể bệnh nhân một thời gian rất dài, từ vài tháng đến cả năm trời. Các chất độc này có thể gây chảy máu bất kì lúc nào. Do đó, bệnh nhân vẫn phải duy trì thuốc giải độc trong thời gian dài và tái khám rất nhiều lần.
"Có nhiều trường hợp chủ quan, sau khi điều trị ổn định đã bỏ thuốc và sau đó lại bị chảy máu nội tạng do chất độc chưa được đào thải hết và phải quay lại bệnh viện. Có thể thấy, việc ngộ độc thuốc diệt chuột nguy hiểm và dai dẳng, kéo dài. Ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cả công việc của bệnh nhân", BS Nguyên phân tích.