1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Công nghệ” chế biến trà sữa siêu lợi nhuận

Vì lợi nhuận, nhiều quán trà sữa trân châu chế biến bằng nguồn nguyên liệu không đảm bảo chất lượng. Thậm chí còn xuất hiện những “chuyên gia” chuyên hướng dẫn công thức pha chế trà sữa kém chất lượng.

 

“Công nghệ” chế biến trà sữa siêu lợi nhuận - 1


“Chuyên gia” nào cũng giỏi

 

Những “chuyên gia” đang tầm môn đệ để truyền cách chế biến trà sữa trân châu xuất hiện ngày càng nhiều trên các website như muabanraovat, raovat, rongbay, raovat123...

 

Với mức học phí từ hai đến bốn triệu đồng, “chuyên gia” nào cũng tự nhận đã từng gặt hái nhiều thành công. Tại địa chỉ www.raovat123.com, một người tự xưng là “chuyên gia” pha chế trà sữa theo công thức Đài Loan đã hùng hồn tuyên bố: “Với kinh nghiệm pha chế lâu năm và quá trình tìm tòi học hỏi công thức của người Đài Loan, tôi tự hào sở hữu một công thức pha chế chinh phục những vị giác khó tính nhất. Học xong, quán trà sữa trân châu của các bạn có đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng khác”.

 

Còn trên trang web www.muabanraovat.com, một người cũng tự quảng cáo là đã tích lũy năm năm kinh nghiệm bán trà sữa trân châu, đồng thời đã biên soạn tập tài liệu hướng dẫn các bước, kể cả những mẹo khi thực hiện pha chế. Chẳng những thế, người này còn sẵn sàng tư vấn cách mở quán, cách quản lý nhân viên và cả chiến lược kinh doanh. Từ số điện thoại 0125.6878.245, phóng viên được vị “chuyên gia” tài giỏi này hẹn gặp.

 

“Bản quyền” giá... vài chục triệu đồng

 

Hai “chuyên gia” mà phóng viên được gặp là một cặp vợ chồng tên Phú và Ngân, là chủ quán trà sữa trân châu Rubic ở 44 Hoàng Hoa Thám, phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương.

 

Tập tài liệu phôtô công thức chế biến trà sữa gồm 46 trang, đầy lỗi chính tả được ông Phú và bà Ngân bán với giá... 300.000 đồng. Bà Ngân trấn an: “Tôi bỏ một năm để biên soạn quyển sách, dễ hiểu dễ làm thì bán 300.000 đồng có gì là quá đáng!”. Bà Ngân nhanh miệng: “Có người đã lấy cắp, phôtô rồi bán với giá... 10 triệu đồng/quyển”. Thậm chí bà Ngân còn “nổ” rằng NXB Thanh Niên đã liên hệ mua “bản quyền” với giá vài chục triệu đồng nhưng bà đã thẳng thừng từ chối (?).

 

Tiếp lời vợ, ông Phú nói chỉ cần học trong hai giờ với chi phí 900.000 đồng là biết cách pha chế. Tuy nhiên, do trà sữa trân châu có nhiều loại và cần phải được đào tạo thêm về... chiến lược kinh doanh, ông Phú khuyên tôi nên học trong nửa tháng với “học phí” bốn triệu đồng. Sau khóa học, học viên còn được ông cấp... giấy chứng nhận?! “Nhiều người do tôi đào tạo nay mở quán khách vào nườm nượp” - ông Phú khoe.

 

Nước + hương liệu + sữa không rõ nguồn gốc = trà sữa

 

“Công nghệ” chế biến trà sữa siêu lợi nhuận - 2

Vợ chồng Phú - Ngân đang dạy PV cách pha trà

Ông Phú khuyên kinh doanh trà sữa trân châu theo cách của ông mau giàu nên ráng theo. Giá thành một ly chỉ 1.500-2.500 đồng nhưng bán tới 10.000-12.000 đồng.

 

Ông Phú truyền “kinh nghiệm”: “1 kg hương liệu có 40.000 đồng chế biến được... hàng ngàn ly trà sữa. Hạt trân châu chỉ có 16.000 đồng/kg, mỗi ly có chừng vài chục hạt thì lợi nhuận cao đến cỡ nào”.

 

“Công nghệ” chế biến trà sữa của ông Phú hóa ra thật đơn giản, chỉ gồm nước sữa, nước trà, hương liệu, hạt trân châu, cùng ít đá viên... Nghe tôi hỏi “mẹo” pha sữa vừa ngon vừa rẻ, ông Phú liền lấy trong túi ra một bịch nhỏ đựng thứ bột màu vàng, bảo chỉ cho một chút bột này vào là sữa thơm phức, béo ngậy.

 

Ông còn hứa sẽ nhượng lại một ít khi tôi mở quán. “Đây là hàng xách tay từ Đài Loan, ngoài thị trường không bán”, ông Phú quả quyết. Tôi lại rùng mình, tự hỏi chất bột không rõ nguồn gốc, không được cơ quan y tế xác nhận này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng khi nuốt vào.

Ngay sau khi phát hiện ra “công thức” pha chế trà sữa siêu lợi nhuận từ vợ chồng “chuyên gia” Phú và Ngân tại quán trà sữa Rubic, phóng viên đã cung cấp thông tin cho Sở Y tế tỉnh Bình Dương kiểm tra.

 

Kết quả kiểm tra ngày 1/9 cho thấy các nguyên liệu pha chế hồng trà, lục trà không có nguồn gốc. Quán trà sữa trân châu Rubic chưa có giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP. Nhân viên phục vụ chưa được tập huấn kiến thức VSATTP. Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã yêu cầu chủ quán phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu trà và có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

 

Tuy nhiên, do “Quán trà sữa trân châu Rubic mới hoạt động, mới kiểm tra lần đầu nên Sở Y tế tỉnh Bình Dương không xử lý vi phạm hành chính, chỉ nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện đúng quy định”, ông Huỳnh Văn Nhị, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết.

 

Theo PLTPHCM