1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Chống quá tải: Siết lại cơ chế nhập và chuyển viện

Cuối tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu làm việc tại TPHCM. Các vấn đề quá tải bệnh viện, công tác dân số đã được đưa ra bàn thảo.

Chống quá tải: Siết lại cơ chế nhập và chuyển viện  - 1

Bộ trưởng cùng lãnh đạo Bộ Y tế thăm BV Nhi đồng 1
40 giường bệnh/1 vạn dân

 

Tại buổi làm việc với UBND TP HCM sáng 29/11, BS. Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, dân số TP HCM (tính cả vãng lai) là gần 10 triệu người. Tổng số giường bệnh hiện có là 31.088 giường bệnh tương ứng với gần 40 giường bệnh/ vạn dân, 12,2 bác sĩ /vạn dân. Tại các bệnh viện quá tải, mỗi ngày phải nhận bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú vượt hơn 2.000- 3.000 lượt bệnh nhân. Đối với BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, trung bình tiếp nhận 5.000 lượt bệnh nhi mỗi ngày.

 

Các số liệu này cho thấy tình hình quá tải tập trung vào các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành; các bệnh viện đa khoa hạng I có định hướng phát triển chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao. Các bệnh nhân ở tỉnh đến khám đa số phải nhập viện.

 

Theo BS. Phạm Việt Thanh, quá tải ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, tăng nhiễm khuẩn bệnh viện, thái độ phục vụ người bệnh vì thế cũng thiếu chu đáo. "Chống quá tải là cần thiết, là sự sống còn, nhưng đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, có sự tham gia của các các bộ, ngành chức năng, ban, ngành, đoàn thể thì mới có thể giải quyết được một cách căn cơ", ông Thanh nói.

 

"Nói quá tải nhưng không bệnh viện nào muốn giảm tải", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận phát biểu tại buổi làm việc. Theo ông Thuận, hiện nay các bệnh viện phải tự chủ toàn phần, nên "gom" nhiều bệnh nhân mới đủ chi phí. Bệnh nhân đông, số lượng y bác sĩ ít dẫn đến tình trạng phục vụ kém, gây bức xúc trong người dân. Cụ thể, chỉ tiêu của Bộ Y tế là 3,3 điều dưỡng/1 bác sĩ nhưng hiện nay các bệnh viện chỉ "gói ghém" trong khoảng 2,3 điều dưỡng/bác sĩ.

 

"Hiện nay, TP HCM đang phải gồng gánh áp lực điều trị bệnh cho hơn 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc. Thêm vào đó, 60% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về. Áp lực về chăm sóc sức khỏe nhân dân đặt lên vai TP HCM quá nặng", ông Thuận nói.

 

Dự án xếp hàng

 
Chống quá tải: Siết lại cơ chế nhập và chuyển viện  - 2

Bệnh nhân xếp hàng chờ khám tại BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM

 

Theo ông Thuận, hiện tất cả các dự án xây dựng bệnh viện mới đều phải xếp hàng chờ thi công vì vướng Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân sách TP HCM đã sẵn sàng, mọi công tác chuẩn bị, thủ tục đều xong nhưng chưa khởi công được. Ông Thuận đề nghị Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ "mở rộng" Nghị quyết 11 cho phép thành phố thực hiện các công trình dân sinh, giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân. TP HCM đầu tư 170 tỉ đồng cho 5 bệnh viện cửa ngõ. Nếu các dự án bệnh viện được xây dựng thì đến năm 2015 sẽ có nhiều bệnh viện mới ra đời, chấm dứt tình trạng quá tải như hiện nay.

 

Trước đó, ngày 28/11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc tại ba bệnh viện là: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình và Nhi Đồng 1 về công tác giảm tải bệnh viện. Bộ trưởng đã chứng kiến thực trạng hai, ba bệnh nhân phải nằm một giường, thậm chí nhiều bệnh nhân không có giường phải trải chiếu nằm dưới sàn... Đánh giá cao những nỗ lực chống quá tải của các bệnh viện như tăng ca làm ngoài giờ, đầu tư kỹ thuật, đào tạo nhân lực..., nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đó mới chỉ là biện pháp tạm thời, cần phải có biện pháp căn cơ hơn. Đó là phải trám lỗ hổng trong quy chế chuyển viện, nhập viện và mạng lưới y tế cơ sở, y tế khu vực. "Gần 60% bệnh nhân ngoại tỉnh, khoảng 60% trong số đó đáng lẽ nằm điều trị ở tuyến tỉnh nhưng lại tự vượt lên tuyến trên", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ chế khám chữa bệnh ban đầu, chuyển viện, nhập viện chưa ổn và cần siết lại. Để làm được điều này phải phân tuyến kỹ thuật, đầu tư cho y tế địa phương, y tế khu vực. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận không riêng gì TP HCM, quá tải bệnh viện hiện là vấn đề "nóng" của toàn xã hội.

 

Theo Huyền Trang

Gia đình