1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chất lượng nước đóng chai: Báo động đỏ

(Dân trí) - Theo kết quả lấy mẫu một số loại nước đóng bình trên toàn quốc trong tháng 4/2009, có 44/177 mẫu vi phạm về độ PH cao, nhiễm vi sinh vật Coliform hoặc Pseudomonas.

Tại TPHCM, trong 43 mẫu có 24 (55,8%) mẫu của 18 cơ sở không đạt chỉ tiêu vi sinh vì nhiễm Coliform hoặc Pseudomonas. Tại Hà Nội, kiểm tra 134 mẫu thì có 14 mẫu có pH cao, 5 mẫu nhiễm Coliform.

Con số trên được TS Lâm Quốc Hùng, phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATVSTP đưa ra trong hội thảo Nước uống đóng chai và vấn đề sức khỏe người tiêu dùng diễn ra sáng 24/4 tại Hà Nội.

Gần 30% cơ sở sản xuất nước đóng chai bẩn
 
Nước tinh khiết đóng chai (bình) ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống sinh hoạt mỗi gia đình, cơ quan, trường học. Nhiều người đã “quên” khái niệm uống nước đun sôi để nguội. Thế nhưng, chất lượng nước tinh khiết như thế nào thì lại ít người để ý.
 
Tâm lý chuộng đồ rẻ vẫn còn phổ biến. Hầu như các khách hàng, thậm chí các cơ quan, tổ chức khi đặt mua nước vẫn chưa chú ý đến nhãn mác, tên tuổi cũng như thương hiệu của các hãng sản xuất nước.
 
Chất lượng nước đóng chai: Báo động đỏ - 1
Chất lượng nước đóng chai vẫn chưa được quản lý chặt chẽ (Ảnh minh hoạ: T.Trầm)

Theo TS Hùng, hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai. Nhưng chủ yếu là cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn chưa được đầu tư thoả đáng, địa bàn sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường… Ngoài hàng chục đơn vị đã bị đình chỉ sản xuất do không đạt chất lượng như đã công bố, trong tháng 4/2009, còn xác nhận thêm hàng trăm cơ sở đang ký sản xuất nước đóng chai nhưng nhiều cơ sở đã ngưng sản xuất (TP HCM 31/329, Bắc Giang là 25); nhiều cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng đã hoạt động. Đặc biệt, thực tế kiểm tra cho thất 27,9% cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất, 24,9% chất lượng vệ sinh nước không đảm bảo, có độ PH cao, nhiễm vi sinh vật như Coliforms, Preudomons, aeruginosa rất nguy hiểm có thể gây mủ vết thương, gây viêm phổi, nhiễm khuẩn hệ hô hấp, suy yếu hệ miễn dịch…

Tại TP Hồ Chí Minh kiểm tra 99 mẫu của 72 cơ sở, trong đó, số mẫu không đạt về chỉ tiêu hoá lý 1/43 (PH không đạt). 24/43 mẫu của 18 cơ sở không đạt về chỉ tiêu vi sinh nhiễm Coliforms, Pseudômnas aeruginose. Tại TP Hà Nội, kiểm tra 134 mẫu có 19/134 mẫu vi phạm.

Theo TS Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, chỉ với diện tích cơ sở từ 40 - 50m2, đầu tư khoảng 50 - 70 triệu đồng cho hệ thống lọc là các cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai có thể đi vào hoạt động sản xuất. Nước được hút từ giếng khoan, lọc qua than hay sỏi, rồi chiếu tia cực tím là đã thành nước tinh khiết với giá chỉ từ 7.000 - 10.000đ cho một bình nước 19 lít thì không thể đảm bảo được chất lượng.

Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do từ trước đến nay các doanh nghiệp vẫn được trao quyền tự đi lấy mẫu nước, đưa đi kiểm nghiệm, lấy kết quả rồi tự làm hồ sơ, khai báo là được sản xuất. Hơn nữa, lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thì mỏng nên khó kiểm soát hết hoạt động sản xuất nước tinh khuyết.

Mất tiền, “mua” hại cho cơ thể

Theo TS Hùng, một thực tế đáng lo ngại là những cơ sở sản xuất nước uống này hầu như không chú trọng đến vấn đề VSATTP. Không chỉ về địa bàn sản xuất không đảm bảo vệ sinh mà ý thức người sản xuất nước tinh khiết đóng chai cũng rất hạn chế, có tư tưởng đối phó với các quy định về an toàn thực phẩm.

Theo bà Hoàng Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, những mẫu nước không đảm bảo tiêu chuẩn gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Nước nhiễm trực khuẩn Coliform có thể gây các bệnh tiêu chảy, viêm đường ruột nguy hiểm. Còn Pseudomonas là loại vi trùng cực kỳ nguy hiểm, có khả năng kháng thuốc cao, dễ làm nhiễm trùng đường ruột, hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu, suy yếu hệ thống miễn dịch....Những cơ sở sản xuất có mẫu nước nhiễm vi sinh này, trước khi bị phát hiện vẫn có số lượng phân phối rất rộng, thậm chí cho cả căng tin bệnh viện.

Vì thế, theo bà Thanh, nếu nước tinh khiết mà không đảm bảo chất lượng thì bỏ ra dù chỉ một đồng cũng không nên mua. Vì vừa mất tiền mua nước, vừa tự “rước” bệnh cho cơ thể. "Hơn nữa, việc sử dụng nước tinh khiết, thực chất là nước được lọc đi lọc lại nhiều lần khiến nước bị mất hết các khoáng chất quá nhiều, nhất là trong thời gian kéo dài, cơ thể sẽ thiểu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất. Ví dụ, thiếu chất côban cơ thể không thể hấp thụ được vitamin B12, thiếu một số chất khác sẽ ảnh hưởng đến cơ chế tạo ra vitamin B1...”, TS Thanh cảnh báo.

Ngoài chất lượng nước nhiều cơ sở chưa được đảm bảo, bà Thanh còn cảnh báo về chất liệu của các loại vòi nước nhựa. Nhiều cơ sở sản xuất nước sử dụng loại vòi nước nhựa có bộ phận join chặn nước được sản xuất bằng nhựa PVC hóa dẻo. Ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhựa PVC hóa dẻo bị cấm sử dụng vì có liên quan đến bệnh ung thư và gan.

Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia đều khẳng định, nước được quảng cáo là nước tinh khiết thực chất là nước được lọc nhiều lần, do vậy chỉ đảm bảo về mặt vệ sinh chứ không tốt cho sức khoẻ. Vì khi lọc nhiều lần thì nước hầu như không còn khoáng chất. Nếu uống loại nước này trong thời gian dài, cơ thể sẽ thiểu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất.

TS Hồ Tất Thắng đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua những loại nước không được đảm bảo về chất lượng. Mỗi người cần là một người tiêu dùng thông thái, cần tìm hiểu kỹ về nhãn hiệu, chất lượng… trước khi sử dụng nước tinh khiết.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm