Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cúm lợn

(Dân trí) - Chiều 29/4, Bộ Y tế đã công bố hướng dẫn việc chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1).

Theo đó, bệnh cúm lợn có diễn biến cấp tính và có một số biểu hiện như sốt, thường thường trên 38oC; Viêm long đường hô hấp; Đau họng; Ho khan hoặc có đờm. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy. Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh là những người sống hoặc đến từ vùng có dịch cúm lợn A (H1N1). Tiếp xúc gần với người bệnh, nguồn bệnh đã được xác định mắc cúm lợn A (H1N1), có biểu hiện lâm sàng phù hợp hoặc tử vong do bệnh hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân và kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A nhưng không xác định được thứ týp.

Khi đã được xác định là mắc cúm lợn, bệnh nhân phải được cách ly và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng, Việc điều trị sẽ sử dụng thuốc kháng vi rút đơn độc hoặc kết hợp (oseltamivir, zanamivir) càng sớm càng tốt, kể cả các trường hợp nghi ngờ. Lưu ý không sử dụng các thuốc đã bị kháng như amantadine và rimantadine. Ngoài ra, khi bệnh nhân sốt chỉ nên dùng paracetamol khi nhiệt độ trên 39oC (không dùng thuốc hạ sốt nhóm salicylate như aspirin). Đồng thời cần đảm chế độ dinh dưỡng và chăm sóc để giúp người bệnh phục hồi nhanh.

Ngoài ra, những người lành mang vi rút cũng cần được quan tâm. Vì họ mang vi rút trong người nhưng không hề có biểu hiện lâm sàng, vì thế rất khó nhận biết. Nếu kết quả xét nghiệm có cúm lợn A (H1N1) thì cũng cần báo cáo.

Để thực hiện tốt việc phòng lây nhiễm bệnh, tất cả các trường hợp mắc phải được cách ly và chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt. Khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc cúm lợn phải khám, phân loại và kịp thời cách ly. Các bệnh viện phải tổ chức khu vực cách ly như đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, tất cả người bệnh, người nghi ngờ mắc đều phải mang khẩu trang ngoại khoa ở trong buồng và bên ngoài buồng bệnh. Cần điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút với những nhân viên y tế và những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm cúm lợn A (H1N1).

Tuy nhiên, việc phòng dịch vẫn là quan trọng nhất. Vì thế, mỗi người nên thực hiện theo 4 khuyến cáo phòng bệnh cúm lợn A (H1N1) mà Bộ Y tế đã thông báo.

Hồng Hải