Biến chứng đáng sợ của tiêm filler ai cũng cần biết trước khi làm đẹp

(Dân trí) - Tiêm filler (chất làm đầy) từ lâu đã được ứng dụng để làm đẹp. Tuy nhiên biến chứng làm đẹp khi tiêm filler không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Càng gần đến Tết nhu cầu làm đẹp của chị em càng nhiều. Trong đó tiêm filler, tiêm chất làm đầy được nhiều người lựa chọn vì chi phí rẻ, hiệu quả nhanh, đơn giản.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), có 2 loại filler được dùng nhiều nhất là acid hyaluronic (HA) và collagen. Đối với chuyên khoa mắt, người ta dùng HA tiêm điều trị các bệnh liên quan đến mô mềm của mi, hốc mắt như co rút mi, làm đầy cùng đồ kết mạc để lắp mắt giả, lật mi dưới, một số hình thái dị dạng mi…

Tuy nhiên ứng dụng nhiều nhất vẫn là mục đích làm đẹp. Filler khi tiêm trong da làm xóa đi các nếp nhăn quanh miệng, quanh mắt, vùng gò má, thái dương, quanh ổ mắt.

Biến chứng đáng sợ của tiêm filler ai cũng cần biết trước khi làm đẹp - 1

Tiêm chất làm đầy có thể để lại những biến chứng đáng sợ. Ảnh một ca tiêm chất làm đầy gặp biến chứng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Dù vậy, bác sĩ Cương khuyến cáo những biến chứng của tiêm filler đôi khi rất đáng sợ. Chất làm đầy nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch. Tiêm nhiều quá mức gây biến chứng chèn mạch. Những tai biến này nếu làm tổn thương tế bào, di chứng vĩnh viễn không thể loại bỏ do tế bào bị tổn thương, gây sẹo cho bệnh nhân.

Biến chứng tại mắt có thể xảy ra tức thời hay vĩnh viễn như tụ máu sưng nề vùng quanh mắt, đau và dị cảm, dị ứng, đặc biệt nếu tiêm calcium hydroxyapatite. Ngoài ra chỗ tiêm có thể bị hoại tử, nhiễm trùng do mụn mủ, bọc mủ, u hạt.

Trong đó các tai biến mạch máu rất đáng sợ và khó lường. Bản thân bác sĩ Cương từng cấp cứu một bệnh nhân mới 25 tuổi nhưng mắt phải đã bị mù sau tiêm filler tại một spa tư nhân.

Bệnh nhân được tiêm filler để làm đẹp vùng sống mũi và quanh mắt. Một mũi tiêm làm mắt phải bị mờ, đau chói. Sau 3 ngày bệnh nhân mới đến khám thì mắt phải xẹp, đầy máu và chất tiêm trong nội nhãn, xẹp tiền phòng. Xung quanh mắt là hốc mắt sưng nề, tụ máu do các mũi tiêm khác.

Theo bác sĩ Cương, có thể một mũi tiêm đã xiên thủng nhãn cầu, gây mất chức năng và chảy máu trong mắt, mắt bị mất chất dịch bên trong qua lỗ thủng nên mềm xèo.

Một bệnh nhân khác may mắn giữ lại được chút thị lực do filler chỉ gây tắc nhánh động mạch trung tâm võng mạc. Tuy nhiên nhiều trường hợp không được may mắn như thế.

Tại Mỹ cũng đã gặp những trường hợp bị mù do chất filler di chuyển gây tắc động mạch mắt, kèm theo cả nhồi máu não.

Bác sĩ Cương lưu ý khi đi tiêm filler làm đẹp, người dân cần lưu ý người tiêm phải là một bác sĩ được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu và được cấp chứng chỉ hành nghề. Tại mắt, phải luôn hút thử seringue trước khi tiêm phòng khi tiêm vào mạch máu.

Khi tiêm có thể pha loãng, trộn với thuốc tê và thuốc co mạch để giảm đau, chống chảy máu. Hạn chế thể tích thuốc bơm vào cơ thể tối đa, bơm từ từ, không căng quá.

Đồng thời, người dân phải chọn cơ sở uy tín, người tiêm được đào tạo tốt và filler có xuất xứ đáng tin.

Nam Phương