1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bé 9 tháng tuổi tử vong vì sốc nhiễm khuẩn do chữa bỏng bằng thuốc nam

Tú Anh

(Dân trí) - Bị bỏng ở đùi và cẳng chân, gia đình không cho bé đi viện mà đắp thuốc bà lang gần nhà. Bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn, tử vong.

Sáng 18/3, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về ca tai nạn thương tâm, cháu bé 9 tháng tuổi không thể qua khỏi do bị sốc nhiễm khuẩn, ngừng tuần hoàn trên đường được chuyển đến BV Nhi.

Bé 9 tháng tuổi tử vong vì sốc nhiễm khuẩn do chữa bỏng bằng thuốc nam - 1
Khi trẻ bị bỏng, cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tuyệt đối không đắp thuốc nam, bôi các sản phẩm theo truyền miệng.

Trước đó, bé chỉ bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân nhưng gia đình chủ quan không đưa tới bệnh viện điều trị mà đắp thuốc của một bà lang ở gần nhà.

Theo thông tin BV Sản Nhi Bắc Giang cung cấp, bệnh viện tiếp nhận trường hợp em bé sau 4 ngày gia đình đắp thuốc nam chữa bỏng cho con. Khi gia đình đưa vào viện, bé đã  sốt cao, nổi ban 4 ngày.

Tại đây, tình trạng trẻ diễn biến xấu nhanh, li bì, hôn mê, nhiều nốt ban xuất huyết rải rác khắp toàn thân, tình trạng phù tăng lên, ăn kém. Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng, rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn.

Tại đây, các bác sĩ đã xử trí sốc nhiễm khuẩn và cấp tốc liên hệ để chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

TS.BS Lê Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngay khi nhận được thông tin tuyến dưới về ca bệnh (vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 14/3), ê-kíp lập tức chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để cấp cứu cho người bệnh.

Bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào 2 giờ 30 phút ngày 14/3 trong tình trạng tím tái, ngừng tim. Ê -kíp đã khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng trẻ không đáp ứng. Vào 3 giờ cùng ngày, bệnh nhi không qua khỏi, gia đình đã xin đưa trẻ về.

TS Duy chia sẻ, ông thấy rất đau lòng, tiếc nuối về ca tử vong không đáng có do nhiễm trùng vết bỏng của trẻ. Theo TS Duy, các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị nhưng vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.

Thực tế, có những bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại nhiều di chứng cho người bệnh.

Từ vết bỏng không quá nghiêm trọng, nhưng bỏ qua điều trị tây y, việc đắp lá khiến trẻ nhiễm trùng, sốt cao, gây sốc nhiễm khuẩn nặng không còn khả năng cứu chữa.

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không bôi nước mắm, kem đánh răng, rượu... hay bất cứ loại thuốc truyền miệng nào. Nếu không may bị bỏng, trước tiên cần cho bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, nhanh chóng giảm nhiệt độ vùng bị bỏng bằng cách ngâm vào nước sạch hoặc xả dưới vòi nước nhẹ 5-10 phút, sau đó băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.