Bản tin Covid-19: Toàn cảnh 2 tuần TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
(Dân trí) - Sau 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dịch bệnh ở TPHCM vẫn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, đã có nhiều tín hiệu tích cực đến từ các chiến lược cách ly, điều trị và đảm bảo an sinh.
2 tuần kể từ khi TPHCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên toàn địa bàn, diễn biến của dịch vẫn hết sức phức tạp, khi số ca mắc mới luôn duy trì ở mức rất cao; ca bệnh diễn tiến nặng, ca tử vong ngày càng tăng.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực: Các chiến lược cách ly, điều trị mới được áp dụng đem lại hiệu quả trong việc giảm tải hệ thống y tế, tăng hiệu quả điều trị; các ổ dịch mới phát sinh được truy vết, khoanh vùng nhanh; nhiều biện pháp giúp đảm bảo an sinh của người dân được thực hiện.
Sau 2 tuần giãn cách, số F0 tại TPHCM tăng gấp 5 lần
Từ 0h ngày 9/7, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 16. Thời điểm này, thành phố ghi nhận 9.066 bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch mới. Đến nay, con số này đã vượt mốc 50.000 ca. Đỉnh điểm ngày 23/7, TPHCM phát sinh thêm 4.913 ca F0. Dịch lan toàn bộ quận, huyện.
Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 siết chặt thêm các biện pháp giãn cách. Theo Chỉ thị mới, người dân trong khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần bằng phiếu, các khu nhà trong hẻm, đông người phải được giãn dân, các chốt kiểm soát chỉ giải quyết một số trường hợp nhất định…
TPHCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 với nhiều biện pháp thắt chặt hơn cho đến ngày 1/8.
Cấp tập lập bệnh viện dã chiến chống quá tải điều trị
Ứng phó với thực trạng số F0 tăng vọt, TPHCM đã cấp tập thiết lập các bệnh viện dã chiến để tránh tình trạng quá tải hệ thống điều trị.
Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế thành phố đã thiết lập 12 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với hơn 34.500 giường đi vào hoạt động. Trong đó có nhiều bệnh viện trưng dụng chung cư tái định cư, các ký túc xá sinh viên.
Bên cạnh đó, hai bệnh viện dã chiến tại quận 7 và huyện Bình Chánh cũng đang gấp rút được thi công để tham gia chống dịch.
Thay đổi chiến lược cách ly, điều trị
Cách ly, điều trị F0 tại nhà là một thay đổi đáng chú ý trong chiến lược chống dịch của TPHCM.
Ngày 13/7, Sở Y tế TPHCM đã ban hành công văn khẩn hướng dẫn thí điểm cách ly, điều trị những trường hợp F0 và F1 tại nhà. Cụ thể, đối với trường hợp F0 là ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm thì chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm.
TPHCM cũng đã cập nhật mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 4 tầng lên 5 tầng để phù hợp với tình hình thực tế.Theo đó:
Tầng 1: Là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định.
Tầng 2: Tiếp nhận các trường hợp F0 mới được phát hiện trong cộng đồng, có triệu chứng, có bệnh lý nền kèm theo.
Tầng 3: Tiếp nhận các ca F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền.
Tầng 4: Điều trị bệnh nhân Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa.
Tầng 5: Hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch.
"Chạy nước rút" thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Để chủ động tấn công dịch Covid-19, TPHCM cũng "chạy nước rút" thực hiện tiêm chủng vắc xin.
Ngày 22/7, toàn TPHCM đồng loạt tổ chức tiêm vắc xin diện rộng đợt 5 ở khắp các quận, huyện trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thành phố dự kiến tiêm 930.000 liều vắc xin Covid-19 trong đợt tiêm chủng thứ 5. Vắc xin này của các hãng AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một số lượng nhỏ Sinopharm.
"Thành phố xác định đợt tiêm chủng này ưu tiên người có bệnh nền: thận mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp. Bên cạnh đó, người nghèo, người hoạt động giao thương, vận chuyển, cung ứng hàng hóa, giao hàng cũng được tiêm", ông Dương Anh Đức thông tin.
Cho tới nay, trong số vắc xin đã về Việt Nam và sắp về trong thời gian trước mắt, TPHCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là dành tất cả những gì tốt nhất để giúp TPHCM chiến thắng dịch bệnh. Dự kiến từ nay đến tháng 9, lượng vắc xin phân bổ cho TPHCM tối thiểu 5 triệu liều, như vậy đạt khoảng 50% đối tượng tiêm vắc xin của thành phố.
Bài toán "an sinh" khi giãn cách thành phố đông dân nhất nước
Trong thời gian TPHCM áp dụng Chỉ thị 16, tình trạng tập trung đông người còn xuất hiện, đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện.
Các chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho TPHCM gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Bên cạnh đó, việc ngừng hoạt động 3 chợ đầu mối lớn nhất khiến nhiều thời điểm, giá cả tăng 1,5 đến 2 lần so với khi chưa áp dụng Chỉ thị 16.
Để đảm bảo TPHCM không bị thiếu nhân lực, hàng hóa, Bộ Giao thông Vận tải đã hỏa tốc tạo "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, chở chuyên gia, công nhân trong thời gian địa phương này giãn cách xã hội.
Sở Công Thương TPHCM cũng đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp triển khai hàng trăm điểm bán hàng lưu động bình ổn giá. Rau củ, trứng,… được bán ngay tại các cửa hàng phân phối của doanh nghiệp.
Hàng trăm tấn nhu yếu phẩm cũng đang ngày đêm được người dân cả nước gửi về để chi viện cho TPHCM.
Thành phố cũng đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỷ đồng, hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 226.000 lao động tự do.
Chính quyền các cấp nhiều quận, huyện của TPHCM gấp rút triển khai trao tiền hỗ trợ Covid-19 cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một số địa phương, lực lượng chức năng đi đến tận nhà để trao tiền tận tay cho dân.