Tuần qua: TPHCM có 9 chuỗi lây nhiễm nguy hiểm, 300 sinh viên vào điểm nóng
(Dân trí) - Chỉ sau một tuần, nước ta ghi nhận thêm gần 3.000 ca Covid-19 mới. Dịch tại TPHCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp với 9 chuỗi lây nhiễm nguy hiểm có thể là tác nhân khiến tình hình tiếp tục leo thang.
Dịch tại TPHCM vẫn leo thang sau một tháng bùng phát
Ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện ngày 27/4 đã khởi đầu cho chuỗi ngày dịch bùng mạnh tại TPHCM. Chỉ sau hơn một tháng, số bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM trong đợt dịch mới này đã vượt mốc 4.000 ca, lan rộng tất cả quận huyện, nhiều chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Xem thêm tại đây.
Sở Y tế TPHCM nhận định, dịch trên địa bàn do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh. Đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh… Từ các ca chỉ điểm rồi phát hiện thêm các ổ dịch trong cụm dân cư, khu nhà trọ tại vùng ven, cụm dân cư huyện ngoại thành. Từ đây xâm lấn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố cũng đã xác định 9 chuỗi lây nhiễm Covid-19 nguy hiểm nhất có thể là tác nhân khiến dịch tiếp tục leo thang.
Tiêm phòng vắc xin thần tốc và xét nghiệm trên diện rộng là 2 giải pháp căn cơ mà TPHCM đã và đang sử dụng để chủ động "tấn công" dịch Covid-19.
Từ ngày 19/6, TPHCM khởi động chiến dịch tiêm chủng lịch sử. Với mục tiêu thần tốc tiêm hết 836.000 liều cho người dân trên địa bàn, thành phố đã thiết lập khoảng 1.000 điểm tiêm chủng. Sau 10 ngày chạy nước rút, chiến dịch tiêm chủng này đã hoàn thành.
Ngày 29/6, TPHCM đã mở chiến dịch cao điểm truy vết, xét nghiệm rộng toàn thành phố để tìm các ca F0 trong cộng đồng, đặt mục tiêu lấy mẫu cho 500.000 người/ngày theo phương pháp mẫu gộp.
Dịch "nóng" tại nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam
Giai đoạn vừa qua dịch cũng lan mạnh ra nhiều tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam. Bình Dương, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Phú Yên, Nghệ An, Đà Nẵng là những "điểm nóng". Xem thêm tại đây.
Đáng chú ý, tại Bình Dương, chỉ trong nửa tháng đã ghi nhận thêm gần 500 ca Covid-19 mới, dịch đã xâm nhập vào doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, lây lan sang nhà trọ. Hai chuỗi lây nhiễm lớn và phức tạp nhất của địa phương này là chuỗi tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) và chuỗi Công ty Việt Nam House Wares (phường Bình Chuẩn, Thuận An).
Từ ngày 2/7, Bình Dương đã triển khai kế hoạch lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Theo đó, khoảng một triệu người tại khu vực có nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 để chủ động phòng chống dịch.
Thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 khu vực phía Nam
Sáng 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa điểm của TPHCM. Xem thêm tại đây.
Tại buổi làm việc với Công ty Nanogen, cũng là đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19 Nanocovax, Thủ tướng nhấn mạnh: "Thay vì đi từng bước, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này chúng ta phải chạy. Công ty đã sẵn sàng, chủ động, tự túc kinh phí, các bộ, ngành phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan tài chính, thủ tục liên quan".
Ngay ngày hôm sau, đoàn công tác tiếp tục đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương. Tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Thủ tướng lưu ý, rút kinh nghiệm vừa qua, một số bệnh viện chủ quan lơ là mất cảnh giác, để xảy ra dịch tại bệnh viện là "điểm cuối" chống dịch.
Trong ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sau cuộc thị sát công tác chống dịch trên địa bàn.
Hàng trăm chiến binh chi viện điểm nóng
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những đoàn quân "áo trắng" từ khắp các tỉnh thành đã lên đường chi viện cho các điểm nóng. Xem thêm tại đây.
Rạng sáng 1/7, hơn 300 sinh viên cùng 9 cán bộ giảng viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã lên đường chi viện cho TPHCM.
Bộ Y tế đã thành lập Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Tháp, Quảng Ngãi…
8 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong tháng 7
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian tới số lượng vắc xin về sẽ nhiều hơn, toàn quốc sẽ triển khai khoảng 19.000 điểm tiêm. Vì thế, Bộ sẽ huy động toàn bộ ngành y tế (kể cả y tế các bộ ngành và y tế tư nhân) để đảm bảo tốc độ tiêm những tháng cuối năm. Xem thêm tại đây.
Hiện tại do nguồn cung khan hiếm nên cao điểm vắc xin về Việt Nam là quý 4 năm nay. Dự kiến trong tháng 7 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin về Việt Nam.
Hơn một tỷ đồng từ chương trình "Triệu trái tim - Một ý chí" đến tuyến đầu
Để tấm lòng nhân ái của bạn đọc nhanh chóng đến với đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm chống dịch, vừa qua, Báo điện tử Dân trí đã thay mặt bạn đọc trao tặng hơn một tỷ đồng từ Chương trình "Triệu trái tim - Một ý chí" đến lực lượng tuyến đầu tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Chương trình "Triệu trái tim - Một ý chí" sẽ kéo dài đến ngày 31/7. Xem thêm tại đây.