30 người xin hiến một phần phổi cho phi công mắc Covid-19
(Dân trí) - Đến tối 14/5 đã có 30 người mong muốn được hiến tặng một thùy phổi cho bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 91 là phi công người Anh, hiện tiên lượng vẫn xấu.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong số 30 người mong muốn được hiến tặng một phần lá phổi cho bệnh nhân 91, người trẻ nhất mới 35 tuổi. Có người gọi điện thoại, có người liên lạc qua fanpage của trung tâm.
Tất cả đều không quen biết bệnh nhân nhưng đều có tâm nguyện được san sẻ một phần cơ thể mình để cứu bệnh nhân. Rất nhiều người đã cung cấp đầy đủ thông tin về nhóm máu, chiều cao, cân nặng.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết đây là những nghĩa cử vô cùng đáng trân trọng của cộng đồng, thông điệp yêu thương đã lan tỏa rất nhanh chỉ sau hơn 1 ngày.
Dù vậy, ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng. Những trường hợp đăng ký hiến sống sẽ được chọn là phương án 2 khi không thể tìm được nguồn từ người cho chết não.
Trong những ngày qua, các bệnh viện lớn ở 3 miền đã nhiều lần hội chẩn trực tuyến để đánh giá, tìm hướng điều trị cho bệnh nhân 91. Hội chẩn liên viện ngày 12/5 đã chỉ định ghép phổi.
Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được giao nhiệm vụ tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Hội đồng chuyên môn tiếp tục hội chẩn điều trị tổn thương phổi và tình trạng nhiễm trùng, thay các catheter, kiểm soát các nguồn nhiễm trùng; nuôi cấy virus đến khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khi được khẳng định âm tính, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục hồi sức tốt để đủ điều kiện ghép.
Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tìm kiếm nguồn cho tạng và chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị phục vụ ghép.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.
Chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5-2 tỷ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.
Liên quan đến bệnh nhân này, cơ quan có chức năng của Anh cũng đã thông báo cho Bộ Y tế đã tìm được một người thân của bệnh nhân, người này đã có trao đổi với Bộ Y tế về các vấn đề chuyên môn và cho biết sẽ hợp tác với các quyết định liên quan đến chuyên môn của ngành y tế Việt Nam về phương pháp chữa trị cho bệnh nhân.
Đến nay, bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất tại nước ta. Bệnh nhân đã trải qua gần 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhưng tiên lượng vẫn xấu. Bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục thở máy, mở khí quản (N21), lọc máu, bơm rửa màng phổi. Phổi bệnh nhân hiện chỉ còn hoạt động 10%.
Quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi) và không có bệnh nền.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này.
Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, xong hiện giờ thì tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Đồng thời nhiều lần có kết quả âm tính, sau đó dương tính trở lại.
Theo tài liệu trên thế giới, ghép hai phổi từ người cho chết não là tốt nhất. Bởi vì ghép phổi từ người cho sống thì chỉ lấy được một phần, ví dụ lấy được một thuỳ phổi cho nên không bằng lấy được toàn bộ lá phổi có đầy đủ chức năng. Muốn ghép phổi phải có chỉ định chặt chẽ về người cho, người nhận, về chọn bệnh nhân về các yếu tố miễn dịch về điều kiện thực hiện kỹ thuật, chăm sóc sau ghép…
Nam Phương