1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

12 thói quen xấu dẫn đến tích mỡ ở bụng

Hà An

(Dân trí) - Tích tụ mỡ thừa trong cơ thể, đặc biệt ở bụng, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, vì nó ảnh hưởng đến cách cơ thể hoạt động. Những thay đổi này góp phần gây ra bệnh tim, ung thư…

Các bác sĩ định nghĩa béo phì là một căn bệnh mãn tính phát sinh khi bạn có lượng mỡ thừa trong cơ thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Đây là một tình trạng phức tạp và không chỉ đơn thuần là con số trên cân. Việc tăng cân sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn hoạt động. Những thay đổi này ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống trong cơ thể. Chúng góp phần gây ra các bệnh như bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Béo phì là một vấn đề ngày càng gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 4 triệu người tử vong mỗi năm do béo phì hoặc thừa cân.

12 thói quen xấu dẫn đến tích mỡ ở bụng - 1

Tích tụ quá nhiều mỡ thừa trong cơ thể gây nguy hiểm cho sức khỏe (Ảnh minh họa: Dr.Axe).

Dưới đây là 12 thói quen xấu dẫn đến béo bụng:

Vừa ăn vừa lướt điện thoại

Theo WebMD, thay vì lướt điện thoại trong khi ăn vặt, bạn hãy chú ý đến bữa ăn và thưởng thức hương vị. Bạn càng chú ý khi ăn, bạn càng ít có khả năng ăn quá nhiều. Bạn hãy chú ý đến thức ăn, nhai cẩn thận và tập trung vào cơ thể khi ăn. Vòng eo sẽ cảm ơn bạn.

Ăn quá nhanh

Não của bạn mất khoảng 20 phút để nhận được thông điệp từ dạ dày rằng nó đã no. Nếu bạn nhồi nhét thức ăn quá nhanh, bạn sẽ tiếp tục ăn quá mức cơ thể cần. Những người ăn chậm sẽ hấp thụ ít calo hơn và ngăn ngừa tăng thêm cân.

Ngủ kém

Trong một nghiên cứu, những người lớn dưới 40 tuổi ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm sẽ tăng nhiều mỡ bụng hơn những người ngủ nhiều hơn. Nhưng nếu bạn bị thiếu ngủ, đừng cố gắng quá mức để khắc phục, ngủ hơn 8 tiếng mỗi đêm cũng có thể gây tích tụ mỡ bụng.

Ăn muộn

Bạn hãy cho hệ tiêu hóa thời gian để đốt cháy bữa ăn bằng cách ăn vào đầu buổi tối. Bạn nạp calo càng muộn thì cơ thể bạn càng có ít thời gian để sử dụng chúng.

Ăn bánh mì trắng

Các loại ngũ cốc tinh chế trong bánh mì trắng và các loại thực phẩm chế biến khác đã bị loại bỏ chất xơ tiêu hóa chậm, do đó cơ thể bạn tiêu hóa nhanh hơn, làm tăng lượng đường trong máu. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tăng cân. Vì thế, bạn hãy chọn carbohydrate nguyên hạt thay thế.

Uống soda ăn kiêng

Bạn có thể nghĩ rằng việc đổi soda toàn đường sang loại dành cho người ăn kiêng sẽ giúp lượng calo của bạn thấp và do đó hạn chế tăng cân. Nhưng các nhà khoa học cho biết điều đó hoàn toàn không đúng. Aspartame, chất tạo ngọt nhân tạo trong nhiều loại soda ăn kiêng, thực sự làm tăng mỡ bụng.

Vì thế, bạn hãy bỏ hẳn soda và giải cơn khát bằng nước lọc.

12 thói quen xấu dẫn đến tích mỡ ở bụng - 2

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày (Ảnh: Love&lemons).

Bỏ bữa sáng

Bạn có biết rằng việc bỏ bữa sáng khiến bạn có nguy cơ béo phì cao gấp 4,5 lần. Không ăn sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất khiến bạn dễ ăn quá nhiều sau đó khi đói. Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2020 trên tạp chí Nghiên cứu Béo phì & Thực hành Lâm sàng cũng chỉ ra rằng bỏ bữa sáng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), bình thường chúng ta cần ăn 3 bữa trong ngày, gồm bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày phụ thuộc vào độ tuổi, giới, hoạt động thể lực, trạng thái tâm lý…, nhưng phụ thuộc chủ yếu vào bản chất hóa học của thức ăn.

Cụ thể, glucid lưu lại trong dạ dày trung bình 4 giờ, protid 6 giờ và lipid là 8 giờ. 

Qua một đêm nghỉ ngơi dạ dày đã trống rỗng, vì thế việc không ăn sáng sẽ không tốt cho cơ thể vì từ bữa ăn tối đến sáng hôm sau thời gian nhịn ăn tối thiểu là 10 giờ. Dạ dày luôn co bóp lúc có thức ăn cũng như khi không có thức ăn. Khi dạ dày co bóp không có thức ăn sẽ ảnh hưởng xấu đến dạ dày và có cảm giác cồn cào. 

Đồng thời khi quá đói, đường huyết hạ, cơ thể dễ mệt mỏi và giảm năng suất lao động.

Ăn thực phẩm ít béo hoặc không béo

Bạn nên theo dõi lượng chất béo nạp vào cơ thể, nhưng thực phẩm loại bỏ chất béo thường có nhiều carbohydrate hơn. Thực phẩm nhiều carbohydrate có thể làm tăng triglyceride, tăng độ nhạy insulin và tăng mỡ ở vùng giữa cơ thể.

Hút thuốc

Bạn đã biết hút thuốc có hại cho sức khỏe, nhưng một trong nhiều tác hại của việc hút thuốc tập trung vào bụng. Bạn càng hút nhiều, bạn càng tích trữ nhiều mỡ ở bụng.

Ăn trên đĩa lớn

Đặt thức ăn của bạn vào đĩa nhỏ hơn và đánh lừa não bộ rằng bạn đang ăn nhiều hơn thực tế. Nếu bạn chọn đĩa lớn, bạn có khả năng ăn hết và ăn nhiều hơn mức cần thiết.

Vận động không đủ

Khoa học đã chứng minh hoạt động thể chất là chìa khóa cho sức khỏe. Đặt mục tiêu vận động cường độ vừa phải trong 30 phút mỗi ngày, vòng eo của bạn sẽ thon gọn và cơ bắp sẽ phát triển, ngay cả khi cân nặng của bạn vẫn giữ nguyên.

Thường xuyên bị căng thẳng

Căng thẳng giải phóng một loại hormone gọi là cortisol vào cơ thể. Mức cortisol cao hơn có thể dẫn đến tăng cân, đặc biệt là trọng lượng nội tạng mà bạn giữ trong bụng. Thực hành các kỹ thuật thư giãn thường xuyên, chẳng hạn như hít thở sâu và thiền định, để giúp giữ bình tĩnh và kiềm chế mức độ căng thẳng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm