Không chỉ cơm, ăn thừa đạm, chất béo đều dẫn đến béo phì

Nam Phương

(Dân trí) - Hiện khẩu phần ăn của người Việt đã giàu chất hơn, với sự tăng vọt tiêu thụ thịt, cá, hải sản… Tuy nhiên, lượng protein trong khẩu phần vượt đến hơn 191% nhu cầu khuyến nghị cho học sinh tiểu học.

6 nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì tại Việt Nam

Sáng 9/4, tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống. 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, số liệu điều tra gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ (5-19 tuổi) bị thừa cân, béo phì tại nước ta đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm. So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn may mắn khi tỷ lệ vẫn ở mức thấp. 

Không chỉ cơm, ăn thừa đạm, chất béo đều dẫn đến béo phì - 1

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam. Thứ nhất liên quan đến khẩu phần ăn và dinh dưỡng, chúng ta ăn quá dư thừa, ăn nhiều hơn so với nhu cầu khuyến nghị từng lứa tuổi, ăn nhiều hơn năng lượng tiêu hao dẫn đến thừa năng lượng, tích lũy ở dạng mỡ. 

Thực tế, không chỉ ăn nhiều chất bột đường mới gây thừa cân, béo phì mà ăn dư thừa chất đạm, chất béo cũng dẫn đến dự trữ mỡ, thừa cân béo phì.

PGS Lâm dẫn chứng nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, lượng protein trong khẩu phần vượt quá nhu cầu khuyến nghị cho học sinh tiểu học là hơn 191%, THCS là 126% và THPT là 18,5%. Trong đó, ngũ cốc, chất đạm, chất béo, bánh kẹo được sử dụng nhiều nhất. Các loại đồ uống có tần suất tiêu thụ thấp nhất. 

Không chỉ cơm, ăn thừa đạm, chất béo đều dẫn đến béo phì - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: T.M).

Theo số liệu từ Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51% và hơn 15%), các thực phẩm khác (gần 23%), rau và hoa quả (gần 7%), đường (gần 3,6%).

Một nghiên cứu cắt ngang tại TPHCM cũng cho thấy, năng lượng ăn vào vượt mức khuyến nghị gần 155% ở trẻ 6 tuổi và hơn 113% ở trẻ 9 tuổi. Lượng protein tiêu thụ ở trẻ béo phì cao hơn 150% mức khuyến nghị. Trong khi lượng chất xơ trong khẩu phần ăn chỉ dưới 10gr/ngày, trong khi khuyến nghị là 14gr chất xơ cho mỗi 1.000 calo. 

Khẩu phần ăn dư thừa protein, đặc biệt là protein động vật có thể dẫn đến một số bệnh như gút, rối loạn mỡ máu, béo phì. 

"1 quả chuối tiêu cỡ trung bình cung cấp xấp xỉ 100 calo. Như vậy, nếu chúng ta vui miệng ăn dư thừa 1 quả chuối mỗi ngày cũng có nguy cơ thừa cân béo phì", PGS Lâm nói. 

Thứ 2 là ít hoạt động thể lực. Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc. Tỷ lệ trẻ 6-11 tuổi ở thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chưa đến 30% với trẻ trai và khoảng 35% với trẻ gái. Thời gian ngồi tĩnh tại của trẻ quá nhiều, xem tivi, chơi điện thoại dẫn đến ít tiêu hao năng lượng. 

"Ước tính 86% thanh thiếu niên ở độ tuổi 11-17, 28% người trưởng thành thiếu hoạt động thể chất. Do công việc, thói quen mà chúng ta ít quan tâm đến hoạt động thể lực", PGS Lâm phân tích. 

Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố dẫn đến thừa cân béo phì khác là di truyền, kinh tế xã hội, ngủ ít và suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ. 

"Chúng ta đang đổ tội thừa cân, béo phì cho cơm quá nhiều"

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân béo phì đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết. 

Vì thế, các chuyên gia cho rằng để kiểm soát vấn đề thừa cân, béo phì cần kết hợp nhiều giải pháp như giáo dục dinh dưỡng học đường và tăng cường vận động thể chất, quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo quy định mới được lưu hành trên thị trường. 

Đồng thời, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng tỷ lệ tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng đều qua các năm như Chile, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan...

Không chỉ cơm, ăn thừa đạm, chất béo đều dẫn đến béo phì - 3

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh:N.P).

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm: "Chúng ta đang đổ tội thừa cân, béo phì cho cơm quá nhiều. Thực tế, trong bữa ăn hằng ngày của người Nhật bị đái tháo đường họ vẫn ăn ổn định 1,5 bát cơm. 

Trong khi đó, chúng ta không ăn cơm nhưng ăn quá nhiều thịt, chất béo, hoa quả, các loại hạt, đây là nguyên nhân góp phần dẫn đến thừa cân béo phì".

Lấy ví dụ với trái cây, TS Hưng cho biết, mỗi bữa chúng ta chỉ ăn 100gr hoa quả, tuy nhiên thực tế nhiều người ăn 300-500gr. 

"Mỗi người chúng ta cần biết ăn thế nào cho đúng, ăn để sống hay sống để ăn do quyết định của chúng ta", TS Hưng lưu ý.