1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Côn Minh ký sự (kỳ 2):

Thuốc chữa bệnh... siêu cao thủ

(Dân trí) - Nếu nói về khâu tiếp thị hình ảnh và bán hàng thì người Việt Nam còn phải học ở người Trung Quốc nhiều lắm. Năm 1988, Trung Quốc làm bộ phim Tây Du Ký và chọn Thạch Lâm của Vân Nam để quay một số cảnh, thì khu rừng đá vẫn còn hoang vu này trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn.

Năm 1999, khi Côn Minh được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị EXPO có 44 nguyên thủ quốc gia đến tham dự thì kinh tế của Côn Minh đã bứt phá nhanh hơn tới 10 năm bởi họ biết tiếp thị. Ngay mấy loại thuốc chữa bệnh mà người Côn Minh phải lấy từ Tây Tạng về bán, nhưng nghe họ giới thiệu thì người khắt khe nhất cuối cùng cũng phải móc hầu bao ra mua vài thứ...

 

10 tệ để trở thành vua và hoàng hậu

 

Chúng tôi được đưa vào nghỉ tại một khách sạn ngay sát Thạch Lâm để chờ đến sáng hôm sau đi tham quan khu du lịch này cho tiện. Vừa bước vào khách sạn, đã thấy khoảng chục cô gái đang ngồi chờ khách ở sảnh một cách rất tự nhiên. Vừa nhận phòng các cô đã... gõ cửa. Giá một đêm khoảng 300 tệ. Qua tìm hiểu chúng tôi biết, Trung Quốc khá cởi mở về việc này để thu hút khách du lịch. Nhưng đấy chỉ là một trong những “chiêu” để thu hút khách.

 

Mặc dù vé vào cửa tham quan ở đây đã là 180 tệ (khoảng 360.000 đồng), nhưng người Trung Quốc từ khắp nơi vẫn đổ về Thạch Lâm. Để hấp dẫn du khách, tỉnh Vân Nam đã đổ vào đây tới 200 triệu USD để xây dựng lại. Mỗi ngày trung bình có khoảng 10 ngàn người vào tham quan, ngày nghỉ và ngày lễ thì đông gấp 5 lần. Với khoảng 10 nghìn người/giá vé 360.000 đồng, mỗi ngày  người ta đã thu về 3,6 tỉ đồng, mỗi năm ngót nghét 1.000 tỉ đồng. Con số quả thật đáng mơ ước cho những ai muốn làm du lịch.

 

Thực ra thì ở Thạch Lâm chỉ đi một lúc là thấy chán vì chỗ nào cũng chỉ có đá là đá, nhưng trong khoảng chục năm gần đây, đời sống của nhân dân Trung Quốc khá lên rất nhiều, du lịch trở thành nhu cầu rất thiết yếu. Đến Thạch Lâm, người Trung Quốc có quan niệm đó là nơi Phật đã từng đến, chắc chắn đến đây sẽ được ban phước. Chỉ cần yếu tố này, làm du lịch đã trúng to.

 

Dừng lại ở lối vào Thạch Lâm, tôi thấy có khoảng chục cô gái dân tộc Di đang ngồi khâu vá. Cũng là một cách tiếp thị. Công việc của họ là ngồi may vá để tạo dáng cho cả khu du lịch. Nếu có ai cần hướng dẫn thì các cô kiêm luôn. Các loại xe điện đi trong khu du lịch cũng đều do các cô gái xinh đẹp mặc quần áo dân tộc Di điều khiển.

 

Có khoảng gần một trăm người chuyên làm nghề cho thuê quần áo của hoàng hậu và vua chúa để mặc. Giá 10 tệ một bộ, không cần mặc cả. Thế là chỉ sau ít phút, ai cũng có thể bệ vệ trong chiếc mũ lông cao vút với thanh gươm dắt bên hông hay thướt tha trong chiếc áo hoàng hậu (tuy nhiên dưới chân thì vẫn thòi ra đôi giầy mõm ngoé hay guốc cao gót).

 

Thuốc chữa bệnh: Cứ việc móc tiền ra

 

Rời Thạch Lâm vào buổi trưa, chúng tôi lên đường đi tiếp về Côn Minh. Nếu tính từ Hà Khẩu về đến Côn Minh đã có tới 5 điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn: Bình Biên nuôi cả ngàn con gấu, Mông Tự thành phố đẹp nhất Côn Minh, Thạch Lâm, rừng đá duy nhất ở Trung Quốc, và vịt cỏ Vân Nam ở một làng cách Côn Minh chừng gần một trăm cây số có tên là Vân Yến. Vịt quay ở đây nổi tiếng hơn cả vịt quay Bắc Kinh mà cũng chỉ có ở làng này nuôi được thứ vịt ngon như thế. Đưa một miếng thịt quay giòn vào miệng, cảm giác như tan ra ngọt lịm.

 

Điểm cuối cùng trước khi vào Côn Minh là khu bán thuốc chữa bệnh. Chúng tôi được biết đây là khu bệnh viện thuộc vào hàng nổi tiếng nhất Trung Quốc và thuốc ở đây cũng thực sự tốt. Chưa biết hay dở thế nào nhưng chúng tôi cũng cứ thử vào. Bệnh viện này trước đây là bệnh viện của quân đội nhưng nay đã liên doanh để tư nhân hoá. Giám đốc bệnh viện, được giới thiệu là một người cực kỳ nổi tiếng, tên là Hoàng Trần Quý. Ông đã từng chữa bệnh cho nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc và quốc tế.

 

Một bác sĩ,\ mặc chiếc áo blue, nói tiếng Việt như người Việt, giới thiệu rất chi tiết về sự nổi tiếng của bệnh viện. Do gần đây có nhiều người Việt Nam sang du lịch Côn Minh nên ở khá nhiều điểm du lịch, bán hàng đều có người gốc gác Việt Nam, nói giỏi tiếng Việt đứng giới thiệu, tiếp thị.

 

Sau màn giới thiệu, chúng tôi được đưa lên tầng 2 để được mat-xa chân miễn phí. Có 4 phòng, mỗi phòng đều có thể chứa được vài chục người được dùng để mat-xa chân. Thực ra, đây cũng là “chiêu” tiếp thị rất giỏi của người Trung Quốc. Phải cho khách hưởng thụ và sướng cái đã, sau đó mới móc tiền của họ sau.

 

Đang ngồi mat-xa chân thì một cô gái bước vào giới thiệu là Lục Lâm Lan, nhưng nói tiếng Việt thì như người Việt. Lan giới thiệu về công hiệu của rất nhiều loại thuốc có bán ở đây. Tất cả đều được khai thác từ Tây Tạng với nhiều cái tên rất kêu: Hoạt huyết kiện não hoàn, Đông trùng hạ thảo... Nếu cần mua thuốc gì, có ngay bác sĩ đến bắt mạch kê đơn. Thuốc cũng được gói tại chỗ, tiền tính ngay. Trong đoàn chúng tôi, ai cũng móc tiền ra mua. Phần vì thấy họ quá nhiệt tình, chu đáo, phần vì thấy giới thiệu về thuốc quá hay, quá tốt. Thế là mua. 

 

Tôi chưa thấy ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào lại có thể tiếp thị bán thuốc giỏi như thế. Họ biết tâm lý của du khách bao giờ cũng rất e dè ngại ngần, muốn vậy thì phải tiếp thị từ từ. Khi “cá đã cắn câu” thì mới đến bài đã mua thì phải mua ngay, nếu không rời khỏi đây sẽ thấy tiếc. Tất nhiên là họ không ép mua với vẻ mặt cau có. Do vậy, trong đoàn có một vài người không mua nhưng họ vẫn rất vui vẻ.

 

Dù rất cảnh giác với các chiêu tiếp thị, nhưng cuối cùng, tôi cũng móc túi mua liền một lúc 3 loại thuốc. Một loại ngâm chân để lúc nào cũng ngủ ngon, một loại sâm đá, cắt ra từng lát hấp với đường phèn để chữa mất ngủ và một loại nữa chữa đau đầu. Cả 3 loại thuốc hết khoảng 1 triệu VNĐ. Cho đến lúc về Việt Nam, tôi vẫn chưa dùng nhưng bên tai thì vẫn nghe ong ong tiếng của cô Lục Lâm Lan giới thiệu về công dụng của các loại thuốc.

 

Vòng thạch anh và mùa sale off

 

Ra khỏi bệnh viện với khệ nệ các loại thuốc trên tay, chúng tôi tiếp tục đến một khu trung tâm chế tác và bán các sản phẩm từ đá thạch anh. Hình như chính người Vân Nam lại chẳng mặn mà lắm với các loại đá thạch anh, nhưng người Việt thì rất háo hức. Cả một khu trưng bày rất rộng với hàng chục nhân viên mặc đồng phục đứng chờ khách.

 

Một nhân viên nói tiếng Việt rất giỏi bật lên màn hình để giới thiệu công dụng của thạch anh. Cũng là làm mát, làm đẹp, chống được tác dụng của môi trường bên ngoài... Suốt cả tiếng đồng hồ ở khu thạch anh cũng chỉ có chúng tôi vào xem hàng, còn người Vân Nam thì không. Kể cũng lạ.

 

Theo lời của người hướng dẫn thì thạch anh của Vân Nam đứng số 1 Trung Quốc, bởi nó lúc nào cũng mát lạnh như thạch, mầu lại rất độc đáo. Mặc dù chẳng hiểu gì nhiều lắm về thạch anh nhưng cuối cùng thì đa số các thành viên  trong đoàn vẫn móc hầu bao để mua kính hoặc mua vòng đeo tay.

 

Rời khu trung tâm bán hàng thạch anh, đi thêm khoảng nửa giờ đồng hồ nữa, chúng tôi bắt đầu đặt chân vào đến Côn Minh. Một thành phố rộng gấp 5 lần Hà Nội, với dân số khoảng 3 triệu người và có khoảng gần 1 triệu chiếc ôtô. Đúng vào mùa “Sale off” (giảm giá) nên ở Côn Minh mua hàng rẻ tới mức bất ngờ. Một chiếc áo nhập chính hãng từ Italia vào mùa đông bán với giá 650 tệ thì nay giảm xuống còn 52 tệ. Một đôi giầy rất đẹp, đóng công phu giá 700 tệ nay cũng giảm xuống còn 39 tệ. Sau này tôi mới biết, đi mua hàng giảm giá (chứ đừng vào các shop đắt tiền) cũng có rất nhiều cái thú vị.

 

Có thể hàng lậu tràn vào Việt Nam đa số là hàng rởm nhưng hàng ở Côn Minh thì lại đa số là hàng thật, nếu biết mua, “đánh” hàng từ đây về Việt Nam cũng là một hướng làm ăn tốt. Đấy là tôi nghĩ thế, bởi một số các sinh viên Việt ở Côn Minh cũng hay “đánh” hàng sale off từ Côn Minh về Lào Cai bán.

 

Kỳ 3: Đại yến của các đại gia

Đức Trung

Dòng sự kiện: Côn Minh ký sự

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm