1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Côn Minh ký sự (kỳ 3):

Đại yến của các đại gia!

(Dân trí) - Người ta nói Côn Minh có nhiều thứ nổi tiếng ở Trung Quốc: Thuốc lá Hồng Hà, đá thạch anh, thế giới hoa, Thạch Lâm... Những ngày ở Côn Minh tôi thấy cần bổ sung thêm một thứ nổi tiếng nữa: Yến tiệc ở Đại yến Cung.

Đại yến Cung có sức chứa tới 2.000 người với rất nhiều món ăn độc đáo. Để có được một bữa ăn ở đây bạn phải đặt bàn trước ít nhất là 3 ngày. Kinh phí đế xây dựng Đại yến Cung vào khoảng 500 tỉ VNĐ. Đây là công trình được chính quyền tỉnh Vân Nam xây dựng để đón tiếp 44 nguyên thủ quốc gia (trong đó có cả Thủ tướng Phan Văn Khải) đến Hội chợ EXPO tổ chức ở Côn Minh năm 1999.

 

Nếu bạn đặt một bàn ăn ở đây, bạn sẽ có cảm giác như mình đang được tiếp đón như nghi lễ của một nguyên thủ quốc gia...

 

1.200.000 đồng/chỗ VIP        

 

Từ “đại gia” mà tôi dùng ở đây hoàn toàn không phải với dụng ý không hay mà ở Trung Quốc, người ta dùng từ này để chỉ những gia đình hay những người có nhiều tiền hoặc có vị thế trong xã hội. Đến những nơi sang trọng để tiêu tiền và để chứng tỏ vị thế xã hội của mình đang trở thành một trong những lối sống của người Trung Quốc.

 

Ở Vân Nam nói riêng (cũng như Trung Quốc) trong khoảng mười năm trở lại đây, điều kiện sống của người dân đã được nâng lên. Lối sống hưởng thụ đã trở nên khá phổ biến. Chúng tôi vào nhà hàng nào cũng thấy nườm nượp người vào ăn uống dù giá cả không hề rẻ. Đại yến Cung thuộc một trong những nhà hàng được coi là lớn nhất và sang trọng nhất ở Vân Nam nhưng không ngày nào không có khoảng 2.000 người đến đây để được thưởng thức nghệ thuật ẩm thực cũng như nghệ thuật ca múa, kinh kịch.

 

Đại yến Cung không nằm ở trung tâm thành phố mà ở ven thành. Theo Chu, một quản lý ở đây cho biết, sau khi kết thúc EXPO, một thời gian khá dài, Đại yến Cung gần như hoang vắng, nhưng bây giờ, việc làm ăn trở nên vô cùng phát đạt. Đấy là do đầu óc biết tổ chức, biến cái “không thể” thành cái “có thể”. Hầu hết cách bài trí, bàn ghế, cũng như các món ăn từ thời EXPO vẫn được giữ nguyên để khách đến ăn luôn có cảm giác như mình là “nguyên thủ”.

 

Đại yến của các đại gia! - 1

Nhân viên rót trà với chiếc vòi rất dài.

 Theo ông Cheng, người mời chúng tôi dự tiệc ở Đại yến Cung hôm ấy thì để có được một bàn gần sát sân khấu phải đặt trước ít nhất 3 ngày. Đó là chiếc “đại bàn” nằm đúng vào khoảng giữa, lớn gấp đôi các bàn khác, ngồi một lúc tới 24 người được coi là bàn VIP nhất. Chúng tôi được xem những bức ảnh chụp các nguyên thủ của các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp... đều dự tiệc ở bàn cực lớn này. Hai bên cánh gà, có thêm 2 bàn nữa cũng được coi là bàn VIP. Sau đó đến loại bàn của chúng tôi, nhỏ hơn chứa khoảng 12 người.

 

Thông thường một người đặt ăn ở Đại yến Cung phải chi ít nhất là 300 tệ (khoảng 600.000 VNĐ), nhưng đó là các bàn ở khá xa, còn nếu các bàn VIP nhất số tiền đặt có thể đến 600 tệ/người. Nếu chỉ tính trung bình 300 tệ một người vào Đại yến Cung, với 2.000 người/ngày thì mỗi ngày doanh thu ít nhất cũng vào khoảng 1,2 tỉ VNĐ. Như vậy, doanh thu mỗi năm không dưới 360 tỉ VNĐ, quả là con số cũng đáng nể.

 

Tôi thử tạt vào khu bếp của Đại yến Cung. Gần 100 đầu bếp đang làm việc cật lực để phục vụ thực khách. Cũng vào khoảng trên 200 nhân viên phục vụ cực kỳ nhanh nhẹn và khoẻ mạnh chạy như con thoi giữa các bàn để mang đồ ăn lên rất đúng lúc kèm đó là hơn 100 vũ công cả nam và nữ phục vụ liên tục từ 6 giờ tối đến 9 giờ mới kết thúc với rất nhiều màn biểu diễn hoành tráng mà còn lâu các nhà hàng ở Việt Nam mới làm được như vậy.

 

Vào tiệc

 

Đúng 6 giờ chiều, xe ôtô đưa chúng tôi đến Đại yến Cung. Đã có rất nhiều ôtô đậu ở đây. Suốt từ cổng vào đến tận bàn tiệc luôn có các nhân viên phục vụ cúi đầu chào và đưa vào với vẻ nhanh nhẹn và cung kính.

 

Người Trung Quốc rất thích màu đỏ. Theo truyền thống thì màu đỏ là màu của sự sung túc, no đủ, màu của “phú, quý”. Những ngày ở Trung Quốc tôi luôn bắt gặp màu đỏ ở khắp mọi nơi: Rất nhiều nhà sơn cả cột lẫn ngói đều màu đỏ. Những nhà hàng treo đèn lồng đỏ và bàn ăn cũng màu đỏ. Đại Yến Cung thì càng nhiều màu đỏ. Thảm trải dưới chân cũng màu đỏ. Các hàng cột cũng màu đỏ, trang trí trên tường cũng có rất nhiều hoạ tiết đỏ và vàng xen lẫn. Ngay cả nhân viên phục vụ trong Cung cũng mặc màu đỏ tất.

 

Đến Đại yến Cung, tôi chợt hiểu tại sao ở đây đông khách. Đó là vì họ luôn luôn gây cảm giác tò mò bất ngờ cho thực khách. Vừa ngồi xuống, tôi đã thấy một nhân viên ăn mặc theo lối của người Di, đội chiếc mũ cao ngất trên đầu với một chiếc bình trà có cái vòi dài cả mét đến rót trà. Nghệ thuật rót trà cao thủ đến nỗi không có một giọt nào rớt ra ngoài.

 

Trước khi vào tiệc, chúng tôi đã được dặn trước, mỗi món chỉ ăn một chút thôi vì ở Đại yến Cung có tới 18 món. Có nhiều món khá cầu kỳ như món thăn bò nhồi trong quả trứng gà, món thịt rắn nướng hay món bún qua cầu cả tô to bự. Món bào ngư (phải nhập từ tận Thái Lan bằng đường hàng không về) sốt nhân sâm được giới thiệu là ăn xong “biết” liền. Về độ ăn uống thừa mứa chứa chan đúng là người Trung Quốc với người Việt ta rất giống nhau. Trên bàn ăn bao giờ cũng phải đầy oặp các món, ăn xong, đứng lên vẫn phải thừa mứa.

 

Đại yến của các đại gia! - 2
 Quang cảnh sân khấu biểu diễn ở Đại yến Cung.

 

Vừa ăn, thực khách vừa thưởng thức các màn trình diễn  nghệ thuật mà có những màn toàn những vũ công chỉ 17-18 tuổi, ăn mặc rất “bắt mắt”. Đến những màn này thì thực khách gần như dừng nhai, ngừng uống, hoãn nuốt để hướng mắt lên sân khấu. Thỉnh thoảng xen giữa các màn biểu diễn là đến màn bán đấu giá các đồ cổ. Sau tiếng chiêng “uỳnh”, một cô gái trẻ bước ra giới thiệu về một cổ vật của đời Tống hay Minh gì đó.

 

Một chiếc bình hình như được rao với giá khởi điểm là 6.000 tệ. Chưa kịp định thần xem tiền Việt là bao nhiêu thì ở một bàn gần chỗ chúng tôi ngồi có một “đại gia” đứng lên trả giá. Ông ta thủng thẳng nói một câu, cả hội trường gần như lặng đi. Giá mà ông trả cao đến nỗi chẳng ai dám trả thêm nữa. Chiếc bình thuộc về ông “đại gia” này.

 

Trong tối hôm ấy có 3 cuộc bán đấu giá và cuộc nào cũng có một cổ vật được một “đại gia” mua ngay. Tất nhiên là giá mỗi chiếc bình hay chén như vậy cũng phải vài chục triệu đồng tiền Việt. Theo ông Cheng thì ngày nào ở đây cũng diễn ra như vậy. Nó giống như một cuộc trình diễn của sự hoành tráng. Tiệc hoành tráng, nhảy múa hoành tráng và mua bán hoành tráng.

 

Khoảng 9 giờ tối, Đại yến tiệc kết thúc. Người ta lục tục ra về.

 

Có thêm một màn rất ấn tượng nữa là thực khách được quyền chụp ảnh với các vũ công. Tôi tranh thủ đứng cạnh một nữ vũ công chắc chỉ vào khoảng 18 tuổi, mà ban nãy trên sân khấu, tôi thấy xinh như mộng để xem đúng là xinh thật không. Xinh thì có xinh, nhưng son phấn nhiều quá. Tôi thử nháy mắt với nàng, nàng cũng nháy mắt lại. Có thể một số nữ vũ công sẽ được các đại gia mời đi tiếp. Đi đâu thì giời biết. Giả dụ như tôi, nếu có nhiều tiền cũng có thể mời em xinh như mộng mà tôi vừa nháy mắt đi chơi. Chuyện này ở Trung Quốc hiện giờ là chuyện bình thường.

 

Phía bên ngoài, đêm đã xuống. Có hàng trăm chiếc xe ôtô sang trọng đón khách. Ai cũng nói cười hể hả. Ít ra thì cũng có một tối trở thành đại gia, dù số tiền bỏ ra không phải ít. Tôi bỗng nhớ đến buổi chiều hôm nay trong khi chờ để đến Đại yến Cung bất chợt tôi gặp một nhóm hát rong biểu diễn trên hè phố để kiếm tiền. Nom họ nghèo khổ và tội nghiệp. Bài hát của họ tôi nghe qua làn điệu thấy rất hay nhưng số tiền họ kiếm được thì chẳng đáng là bao.

 

Sáng hôm sau thật bất ngờ, có người gõ cửa phòng khách sạn và người ta mang đến tận nơi cho chúng tôi bức ảnh chụp chung với các vũ công ở Đại yến Cung. Một bức ảnh phóng to, nom rất hoành tráng, được trang trí cực kỳ ấn tượng. Cũng lại một cách tiếp thị cực kỳ giỏi mà chúng ta cần phải học. 

 

Kỳ tiếp: Cúi đầu trên đỉnh Thương Sơn  

Đức Trung

Dòng sự kiện: Côn Minh ký sự