1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Côn Minh ký sự (phần cuối):

Lệ Giang - dòng sông trong tâm tưởng

(Dân trí) - Rời Côn Minh, qua Đại Lý rồi đi tiếp đường núi lên phía bắc khoảng 600km bằng xe khách, cổ thành Lệ Giang bất ngờ hiện ra trong ánh nắng chói chang của vùng cao nguyên và trong sự ngỡ ngàng của du khách.

Lệ Giang là tên một quận lớn trong đó có thị trấn cổ cùng tên rất nổi tiếng Trung Quốc, có phần giống như Hội An đối với Việt Nam vậy. Nằm giữa một thung lũng tuyệt đẹp ở độ cao 2.400m so với mặt nước biển, cổ thành đã 800 năm tuổi của người dân tộc Naxi này chính là cửa ngõ từ phía Nam để đi lên cao nguyên Tây Tạng. Lệ Giang được công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1997.

 

Nổi tiếng từ một... thảm hoạ

 

Năm 1996, một trận động đất 7 độ richter đã xoá sổ gần như toàn bộ khu thị trấn cổ Lệ Giang. Hơn 300 người đã chết và 16.000 người bị thương. Sau thảm hoạ ấy, chính quyền Trung Quốc cùng các tổ chức quốc tế đã đổ hàng trăm triệu USD để khôi phục lại kiến trúc và cuộc sống của người dân địa phương trở lại gần như xưa. Song, cũng chính trận động đất kinh hoàng ấy lại khiến Lệ Giang trở nên nổi tiếng.

 

Lệ Giang - dòng sông trong tâm tưởng - 1
 Mặc cho những đổi thay, dường như nhịp sống cũ của người dân phố cổ không hề thay đổi.

 

Đặt chân vào khu phố cổ, người ta sẽ tưởng là mình lạc vào một đô thị Trung Hoa phong kiến của vài trăm năm trước. Từ trên đồi Sư tử nhìn xuống, bạn sẽ thấy một quảng trường trung tâm cổ kính, những con đường lát đá chạy ngoằn nghèo, những ngôi nhà mái ngói, tường gạch hoặc gỗ nép mình dưới hàng dương liễu bên những cây cầu đá cong vút bắc ngang qua những con kênh lớn nhỏ, xanh ngắt. Phố cổ tràn cả lên sườn núi. Phần trên cao của Lệ Giang sừng sững những mái nhà cong vút, giống như mặt trước của một thành trì cổ đại.

 

Lang thang khắp khu phố cổ mới thấy người Lệ Giang quả là bậc thầy về kiến trúc đô thị và công trình thuỷ. Các con phố chằng chịt tưởng đan xen hỗn loạn, song lại được phân cấp rất khoa học theo chiều từ cao xuống thấp nương theo dòng nước. Hệ thống hàng chục con kênh lớn nhỏ dẫn nước chảy dọc theo khắp các con phố cùng điểm nhấn là những cây cầu đá tạo cho Lệ Giang một cảm giác tĩnh tại trong sự vận động không ngừng.

 

Dấu sắt nung đóng vào phố cổ

 

Đêm, tất cả những con đường dẫn đến quảng trường trung tâm (Sifan Square) đều lặng như tờ, như thể sự tĩnh lặng của cả cổ thành dồn lại để đổi lấy cái náo nhiệt kinh người ở khu phố chính Xinghua. Đêm nào cũng vậy, phố Xinghua chạy dọc 2 bên con kênh lớn như cháy rực trong ánh sáng của hàng nghìn đèn lồng đỏ, trong tiếng đàn sáo, trong cuộc hát đối và reo hò của hàng trăm cô gái trẻ Naxi và khách du lịch ở các hàng quán hai bên bờ. Không khí phố hội này có lẽ là một hệ quả đẹp của ý thức tiếp thị du lịch của người Trung Quốc.

 

Lệ Giang - dòng sông trong tâm tưởng - 2

  Cầu đá - kênh nước là những nét đặc trưng của phố cổ Lệ Giang.

 

Người Naxi ở Lệ Giang có nguồn gốc từ Tây Tạng, di cư xuống ở Lệ Giang từ khoảng 1.400 năm trước và từ đó đến nay vẫn giữ nguyên cấu trúc gia đình mẫu hệ của người Tạng. Những sự thay đổi bên ngoài dường như rất ít ảnh hưởng đến lối sống truyền thống của cư dân phố cổ. Người Naxi vẫn mặc trang phục dân tộc truyền thống và giữ nếp sinh hoạt hàng ngày. Một nét thú vị là hầu hết những người già vẫn trung thành với chiếc mũ công nhân kiểu “Mao Trạch Đông” của nhiều thập kỷ trước.

 

Lệ Giang giống như một phim trường giữa thời hiện đại. Dù nét cổ kính của kiến trúc chỉ là được tái hiện một cách tinh tế, nhưng theo thời gian chúng cũng dần trở nên xưa cũ. Cùng với những con người cũ, lối sống cũ, Lệ Giang đang trở lại với không khí của một cổ thành nghìn năm tuổi. Chỉ có điều, khách du lịch và các dịch vụ kèm theo ngày một dày lên, như một dấu sắt nung của thị trường âm thầm đóng vào lòng phố cổ.

 

Dưới chân núi tuyết

 

Nếu ở Vân Nam có một nơi nào nổi tiếng hơn cả Lệ Giang thì đấy chỉ có thể là Ngọc Long Tuyết Sơn. Từ phố cổ Lệ Giang, bạn có thể nhìn thấy một ngọn núi cao trắng xoá. Đó chính là đỉnh cao 5.595m trong dãy Ngọc Long Tuyết Sơn quanh năm tuyết phủ. Dãy núi tuyết là một trong những phong cảnh hùng vĩ nhất Trung Hoa. Ở đây có khe núi sâu nhất thế giới và tuyến cáp treo cao nhất châu Á, đưa du khách từ mặt đất lên đến độ cao 4.296m.

 

Lệ Giang - dòng sông trong tâm tưởng - 3

 Bánh xe nước đầu phố Xinghua này là điểm bắt đầu vào phố cổ.

 

Trong văn hoá phương Đông núi là nơi hun đúc các giá trị tinh thần. Hành trình lên núi là hình ảnh của sự đi tìm chân lý và giải thoát. Trong truyện cổ Ấn Độ có câu chuyện về một người hành hương lên núi với một sọt đá lớn trên lưng. Anh ta đi tìm điểm tiếp giáp giữa Trời và Đất. Mỗi khi kiệt sức, anh ta lại vứt bớt đi một hòn đá. Khi hòn đá cuối cùng được ném đi thì cũng là lúc anh ta lên tới đỉnh. Đó là một ẩn dụ sâu sắc về cuộc sống. Cuộc đời của con người đầy những gánh nặng. Phải biết tự rũ bỏ những tạp niệm ấy, con người mới đạt đến tận cùng của sự giải thoát.

 

Vì một sự nhầm lẫn đáng tiếc, chúng tôi chỉ có thể ngắm dãy núi trong một thung lũng đầy gió rét thay vì lên cao để mà được cảm thấy mình bé nhỏ trước những đỉnh băng tuyết, được thả trí tưởng tượng trôi theo dòng sông Dương Tử lẩn khuất đâu đó trong những khe núi không xa.

 

Theo người Lệ Giang, tháng 5 này chính là thời điểm đẹp nhất cho những chuyến đi lên núi. Tuyết mùa khô rất hợp cho những cuộc dạo chơi trên đỉnh và dưới chân núi hoa mùa hè cũng bắt đầu khoe sắc trên những cung đường.

 

* * *

Trong tưởng tượng, tôi vẫn nghĩ Lệ Giang là một dòng sông trên núi, mà những dòng nước trong vắt tôi vẫn gặp trong thị trấn chảy từ con sông ấy.

 

Mãi về sau, tôi mới biết không có con sông nào tên là Lệ cả. Nước chảy về Lệ Giang bắt nguồn từ tuyết tan trên đỉnh núi, không ào ạt như về dòng sông Ngọc Hà gần đó, mà chỉ lặng lẽ từng dòng, giống như những giọt nước mắt thấm sâu vào lòng phố cổ.

Lâm Bộ

Dòng sự kiện: Côn Minh ký sự

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm