Người về từ “địa phủ” và 9 chiếc răng lưu lạc (*)
Ông - cựu tù Vũ Minh Tằng nuốt 9 cái răng của mình rồi bới phân tìm lại “chùm răng” suốt hơn 30 năm, trước khi hiến chúng cho bảo tàng. Gặp tôi, ông Tằng khóc: “Tôi về từ địa phủ, không bao giờ dám nghĩ mình còn sống trở về cùng 9 chiếc răng lưu lạc đó”…
Vừa rồi, ra khu vực di tích nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tôi đã tìm bằng được viên cai ngục thuộc loại tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam Trần Văn Nhu (năm nay 83 tuổi). Trong gần ba chục trò tra tấn dã man đối với cộng sản hồi trước năm 1973, hãi nhất là trò dùng gậy đục gãy từng chiếc răng của người tù, rồi bắt họ tự uống máu, tự nuốt răng mình.
Tám chiếc răng của ông Tằng hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội).
Sống sót từ “gậy biệt ly” và “vồ sầu đời”
Căn nhà đơn sơ ở thôn Tiên Hào có 3 người già nua, đầy tật bệnh. Ông Tằng 70 tuổi. Bà Nguyệt (vợ ông) cũng đã ở tuổi 72, bệnh thấp khớp làm hai đầu gối bà to như cái đấu, đi lại rù rờ. Em trai ông Tằng tên là Vũ Văn Mỹ, năm nay 63 tuổi, trèo tổ chim cu ngã gãy cột sống liệt toàn thân, mất trí từ năm 13 tuổi, đã được bà Nguyệt chăm bẵm từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến tắm táp, vệ sinh suốt 50 năm qua. “Rõ khổ, lúc ông Tằng đi bộ đội rồi bị địch đưa ra nhà tù Phú Quốc, bao nhiêu năm không có tin tức sống chết thế nào. Tôi ngày nào cũng tắm cho chú em trần truồng kia, nhiều người đến cứ buồn bã hỏi: “Chồng cô bị tàn tật thế từ bao giờ vậy?”- bà Nguyệt ngậm ngùi.
Dù là một ổ bệnh, dù tận khổ, ông Tằng và vợ vẫn phải chăm sóc một người em trai tàn tật 63 tuổi. Vợ ông Tằng đã chăm sóc từng ly từng tý "đứa trẻ già" sống thực vật này suốt 50 năm qua!
“Tôi không tin là tôi còn có thể sống được, nhưng chẳng may tôi sống mà trở về, thì tôi sẽ dùng những chiếc răng này để làm kỷ niệm về một thời không thể nào quên. Và, khi tôi chết, nhất định con cháu phải thả chùm răng của tôi vào quan tài cho “đủ bộ”...” - ông Tằng tiếp:
“Năm 1971 ấy, tôi là Bí thư Chi bộ của Phân khu A2 gồm 1.800 tù nhân ở nhà ngục Phú Quốc, tôi tổ chức cho anh em vượt ngục. Phải đào hầm, khoét ngạch mất đúng 1 năm, đất đá nghiền vụn dúi vào các thùng phuy đựng xỉ than của trại, tống ra bãi thải. Gần 100 chiến sĩ “độn thổ” từ phòng giam ra ngoài, biến mất trong rừng caosu cổ thụ của đảo, họ phối hợp với dân chài vượt biển vào đất liền. Tổ chức cho anh em chạy xong, thì trời cũng sáng, lại bị mấy đứa “gián điệp” được địch cài vào đóng giả tù nhân nó tố cáo, thế là tôi bị chúng đem đi tra tấn.
Ông Vũ Minh Tằng, từ gương mặt cho đến hai đầu gối đều lạo xạo mảnh đạn và những mảnh xương vỡ vụn vì chiến tranh cùng các đòn tra tấn ở "địa ngục trần gian" nhà tù Phú Quốc.
Tôi ngất đi, khi tỉnh lại thì Nhu dùng “vồ sầu đời” tiếp tục đập. Nó dùng cái tấm sắt có lỗ tròn sắc lẻm, đặt vừa khít gót chân người tù, rồi cứ thế nện vào đầu gối họ. Đầu gối vỡ, xương bánh chè vỡ, gót chân cũng... bị lỗ sắt tròn tiện mất từng khoanh. Hai đầu gối tôi lạo xạo vỡ như vỏ trứng gà luộc. Nó cứ đập từng chày một, xương ở chân tôi cứ vỡ dần, nó không cho tôi ngất, cứ phải “hà hơi tiếp sức” bao giờ tôi tỉnh thì nó mới đánh tiếp. Rồi nó dùng những cái đinh mười phân đóng vào các ống chân, đầu gối của tôi. Tôi bị ném vào chuồng cọp biệt giam. Có khi tôi và các người tù phải đi “tiểu” ra tay mình, rồi chia nhau mỗi người uống một hớp để sống. Có khi, chúng nấu cơm, nặn thành từng viên như viên bi, bắt chúng tôi lăn với máu và... phân người để ăn”.
Ông Tằng đã kỳ công “phục kích” trong những lần đi đại tiện sau ngày nuốt 9 cái răng của mình. Ăn, ngủ, phóng uế tại phòng biệt giam, thế là lần nào ông cũng loay hoay bới các đống phân của mình, vê nhỏ nó ra, tìm kiếm bằng được những chiếc răng bị nuốt. Ông giữ “chùm” răng đó suốt hơn 600 ngày tù tội, bằng cách bí mật giắt nó trong cạp quần rồi tìm cách khâu lại. Ông giữ chùm răng đó trong suốt 30 năm, trước khi trao chúng cho bảo tàng mượn.
Sau hơn 30 năm âm thầm chiến đấu với bệnh tật, giữa năm 2010 vừa rồi, ông Tằng mới có tiền đi khám bác sỹ một lần. Và, những kết quả "chiếu chụp" đã khiến các bác sỹ phải kinh ngạc.
Khi chết, tôi sẽ bảo các con lên bảo tàng xin lại 8 cái răng
Tôi về với chế độ của một bệnh binh 2, vừa rồi tăng “trợ cấp”, hiện nay được hưởng 1,3 triệu đồng/tháng. Tôi cũng chưa bao giờ đề nghị hay đơn từ xin với cấp trên một cái gì. Vừa rồi, đi họp các cựu tù Phú Quốc ở trên HN, anh em phải thu xếp cho “người tù đặc biệt” (họ gọi tôi thế) một chế độ ăn, ngủ riêng biệt, bởi họ chứng kiến tôi bị tra tấn và tàn phế ra sao. Rồi họ bảo, người như tôi mà thiệt thòi chế độ như vậy thì có khi tôi phải viết đơn đề nghị cấp trên cho tôi được giám định sức khoẻ, thương tật, chứ như thế này, ba cái mạng già làm sao sống nổi. Chúng tôi đều sống nhờ thuốc, chứ không phải nhờ cơm canh.
Tượng đài nắm đấm, một biểu tượng bi tráng cho sự quật cường và quá nhiều hy sinh của người yêu nước Việt Nam tại địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc.
Ngay sau khi đọc bài Người về từ “địa phủ” và 9 cái răng lưu lạc, chiều nay (27/7), Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn đã quyết định trích Quỹ Nhân ái của Báo điện tử Dân trí mua tặng ông Vũ Minh Tằng, người cựu tù đảo Phú Quốc năm xưa chiếc xe lăn như mong ước khiêm tốn của ông cùng số tiền 2.000.000 đồng.
PV Dân trí sẽ đi trao tặng ngay trong ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, để món quà thêm phần ý nghĩa - như là một sự tri ân trước những đóng góp thầm lặng mà rất cao quý của ông Vũ Minh Tằng. |
(*) Đầu đề bài do Tòa soạn đặt