1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Giang

Xét xử vụ gian lận điểm thi: Vợ ông Triệu Tài Vinh xin vắng mặt tại phiên tòa

(Dân trí) - Sáng nay (14/10), hàng loạt người đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, trong đó có bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Giang (vợ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh).

Xét xử vụ gian lận điểm thi: Vợ ông Triệu Tài Vinh xin vắng mặt tại phiên tòa - 1

Hàng loạt người xin vắng mặt tại phiên xử sáng nay

 Tại phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang sáng nay, trong phần kiểm tra căn cước những người làm chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Thư ký phiên tòa cho biết có hàng loạt người có đơn xin vắng mặt.

Trong số đó có bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang. Bà Phạm Thị Hà là vợ của ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Bà Hà được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng và đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Vương Thị Thu Hà – Phó Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Hà Giang cho biết, tổng số danh sách người được triệu tập đến phiên tòa xét xử sáng nay, ngoài  5 bị cáo và 1 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, còn có 178 người làm chứng (trong đó, 86 người đã có mặt, 82 người có đơn xin xét xử vắng mặt, 19 người vắng mặt không lý do).

Luật sư và các bị cáo đều không có ý kiến về sự vắng mặt của của những người làm chứng. Đại diện VKSND tỉnh Hà Giang tại phiên tòa cho rằng, những người nhân chứng quan trọng đã có mặt tại phiên tòa, còn những người vắng mặt đã có lời khai tại cơ quan điều tra.

Trước các ý kiến trên, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tiếp tục xét xử. Đến 9h30, đại diện VKS đọc cáo trạng vụ án.

Trong việc xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã kỷ luật khiển trách đối với bà Triệu Thị Giang (Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang, em gái ruột của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh), vì nhờ người tác động nâng điểm cho cháu. Còn bà Phạm Thị Hà phải "kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm".

Kết thúc đọc cáo trạng, bị cáo Vũ Trọng Lương - cựu Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) được HĐXX yêu cầu lên xét hỏi đầu tiên.

Bị cáo Lương khai, khoảng tháng 5/2018, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) sang phòng Lương nói trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cần nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt và Lương nhận lời.

Đến giữa tháng 5/2018, sau khi tổ chức quét và chấm thử phần mềm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD&ĐT, bị cáo Lương sang phòng bị cáo Hoài nói có thể xử lý nâng điểm được vì Bộ GD&ĐT chỉ cần gửi file Excel. Hoài đã chuyển cho bị cáo danh sách các thí sinh cần nâng điểm 3 lần, với tổng số 93 thí sinh.

Khi đưa danh sách thí sinh cần nâng điểm, bị cáo Hoài có hứa hẹn cho tiền hay tài sản vật chất gì không? – HĐXX hỏi.

Bị cáo Lương nói: “Khi anh Hoài đưa danh sách cần nâng điểm thì không hứa hẹn cho bị cáo tiền hay tài sản vật chất gì. Bị cáo làm việc này là tự nguyện, chứ không bị ép buộc”.

Ngoài danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm mà bị cáo Hoài đưa, bị cáo Lương cho biết cũng có một số người thân nhờ nâng điểm, với tổng số 14 thí  sinh.

“Những người thân nhờ bị cáo nâng điểm cho các thí sinh gồm: Hoàng Thị Hồng Nhẫn, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang cho 1 thí sinh là con của chị Nhẫn; Bùi Văn Thuyết – công tác tại Công ty in Hà Giang, nhờ 1 thí sinh; Nguyễn Mạnh Tuấn –  công tác tại Trường THPT Vị Xuyên, nhờ 1 thí sinh; Nguyễn Thanh Cảnh – Hiệu phó một trường ở huyện Vị Xuyên, nhờ 1 thí sinh; Trần Bách Tùng – công tác ở THPT Mèo Vạc, nhờ 2 thí sinh; Trần Duy Ninh – công tác ở THPT Vị Xuyên, nhờ 5 thí sinh; Tống Thị Phương – cán bộ Bệnh viện tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu, nhờ 1 thí sinh; Tống Văn Lợi – giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) hướng nghiệp tỉnh, nhờ 1 thí sinh (con của chị Mai của TTGDTX hướng nghiệp tỉnh). Ngoài ra, bị cáo tự giúp đỡ cho con ông Tống Văn Lợi chứ ông này không nhờ” – bị cáo Lương khai.

Tiếp tục khai trước HĐXX, bị cáo Lương khẳng định, không có ai công tác tại Sở GD&ĐT tỉnh hà Giang nhờ bị cáo can thiệp nâng điểm thi cho các thí sinh. Còn giai đoạn điều tra, bị cáo khai tự giúp đỡ nâng điểm cho con 3 người công tác ở Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, nhưng sau đó bị cáo này nhớ lại là những thí sinh này đã nằm trong danh sách 93 thí sinh do bị cáo Hoài chuyển.

Trước HĐXX, bị cáo Lương khẳng định toàn bộ việc nâng điểm cho các thí sinh do bị cáo Hoài khởi xướng, “Hoài có nói cần nâng điểm và chuyển danh sách và bị cáo đồng ý” – bị cáo Lương khai.

Nguyễn Dương