1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Làm rõ lợi ích vật chất

(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) cho rằng, cần phải làm rõ có hay không vụ lợi vật chất trong vụ án này, bởi "không có một người bình thường nào nâng điểm cho bằng ấy người mà không có bất cứ một vụ lợi gì".

Chiều 15/10, tại TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục diễn ra phiên xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở địa phương này.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Làm rõ lợi ích vật chất - 1

Quang cảnh phiên tòa.

HĐXX đã dành cả buổi chiều để xét hỏi đối với bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang). Trong vụ án này, bị cáo Chính bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" vì có hành vi nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT) nâng điểm cho 12 thí sinh và 1 thí sinh nhờ xem điểm môn thi ngữ văn.

Khác với 4 bị cáo trước, bà Chính không đồng ý với nội dung buộc tội trong cáo trạng của VKS.

Tại phiên xử chiều 15/10, nữ bị cáo này nhiều lần khẳng định với HĐXX chỉ nhờ bị cáo Hoài xem hộ điểm chứ không nhờ nâng điểm cho các thí sinh. Theo bị cáo Chính là không thể nâng được điểm môn ngữ văn vì quy chế chấm thi rất chặt chẽ, khác với chấm thi môn trắc nghiệm. Vì biết bị cáo Hoài không thể nâng điểm cho môn ngữ văn nên chỉ nhờ ông Hoài xem hộ điểm thi.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Làm rõ lợi ích vật chất - 2

Trong phiên xử chiều 15/10, bị cáo Hoài (giữa) nhiều lần cười một mình.

Trước lời khai của bị cáo Chính, HĐXX đã đọc một số tin nhắn của người nhà các thí sinh nằm trong danh sách 13 thí sinh nói trên có nội dung là nhờ Chính nâng điểm. Tuy nhiên, bị cáo Chính nói chỉ nhớ những tin nhắn mang nội dung là "xem điểm, xem hộ", còn những nội dung tin nhắn như HĐXX công bố thì bị cáo này cho rằng có thể chưa hiểu ý của người nhắn, một số không trả lời hoặc có trả lời xã giao nhưng không hứa hẹn nâng điểm.

HĐXX nói những tin nhắn đó là do cơ quan điều tra trích xuất từ máy điện thoại của bị cáo Chính và đã được giám định, sẽ tiếp tục làm rõ ở phần sau của phiên tòa.

Nghi ngờ trong vụ án này có việc trình tự tố tụng chưa được làm đúng, Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Chính) hỏi bị cáo Chính: "Kết quả giám định 6733/C09 ngày 20/12/2018 và số 55005, tôi cứ coi 2 kết luận giám định này là 2 chứng cứ liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của bà có tội hay không có tội, chứng cứ buộc tội là chứng cứ vật chất. Trong quá trình hoạt động tố tụng đến ngày hôm nay, bà có được cơ quan tố tụng thông báo hay bàn giao những kết quả giám định này không?".

Trả lời câu hỏi trên của Luật sư, bị cáo Chính khai, đến nay (15/10/2019), chưa nhận được.

Trong phần xét hỏi chiều 15/10, bị cáo Chính có khai với HĐXX rằng có nghe dư luận nói đã có "tiêu cực" thi cử tại kỳ thi THPT từ năm 2017 ở Hà Giang và nói với ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) là kỳ thi năm 2018 phải làm chặt.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Làm rõ lợi ích vật chất - 3

Luật sư Hoàng Văn Hướng (ngoài cùng bên phải).

Về chi tiết bị cáo Chính đưa ra tại tòa, Luật sư Hướng hỏi: "Bà có nói với Giám đốc GD&ĐT tỉnh Hà Giang rằng, tại kỳ thi THPT năm 2017 ở Hà Giang đã có tiêu cực, vậy bà có đề nghị HĐXX hai vấn đề: kiến nghị giữ lại toàn bộ kết quả thi của năm 2017 và kiến nghị xem xét kết quả thi của năm 2017 không?"

Bị cáo Chính trả lời: "Tôi nghĩ để có sự công bằng và xem xét cả quá trình, thì cá nhân tôi rất mong muốn và tôi nghĩ nhiều người cũng mong muốn giữ lại kết quả thi năm 2017 và nếu cần thiết để xem xét, làm rõ".

"Bà có trân trọng đề nghị HĐXX ghi nhận, kiến nghị, xem xét mở cuộc điều tra về việc có lợi ích vật chất trong vụ án này và đề nghị điều tra làm rõ việc có hay không hành vi đưa nhận nhận hối lộ không?" - Luật sư Hướng hỏi tiếp.

"Cá nhân tôi cũng như dư luận trân trọng đề nghị HĐXX làm rõ có hay không vụ lợi về vật chất, bởi theo nhận thức của cá nhân tôi, không có một người bình thường nào nâng điểm cho bằng ấy người mà không có bất cứ một vụ lợi gì" - bị cáo Chính trả lời.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, bị cáo Triệu Thị Chính - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, là Ủy viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh năm 2018, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban Chấm thi.

Bị cáo Chính khai, đã có 28 năm công tác và là giáo viên văn nên hiểu rất rõ quy trình chấm môn ngữ văn.

Giải thích trước HĐXX, bị cáo Chính lập luận: Việc nâng điểm môn Văn là điều không thể. Đây là môn học sinh làm bài trên giấy trắng mực đen. Quy trình chấm Văn là chấm bằng tay, không phải máy.

Giám thị phải hoàn thành 3 phiếu điểm: cán bộ chấm lần 1, cán bộ chấm lần 2 và biên bản chấm điểm. Trong các phiếu này có số phách, có chữ ký của giám thị chấm thi; ngoài chữ ký của 2 giám thị còn có chữ ký của Trưởng môn và Trưởng Ban là bà Chính.

Khi bài văn đến tay giáo viên chấm thi thì phần phách đã được rọc; phách được niêm phong cách ly một chỗ; bài thi không còn phách được niêm phong vào các túi, sau đó bốc thăm để chấm thi. Quá trình chấm thi vòng 1, 2, 3 cho đến khi nhập điểm lên phần mềm, không thể biết được bài văn này của em nào, chỉ biết được khi lộ khóa phách, điều này đã xảy ra ở Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình. 

Nguyễn Dương