1. Dòng sự kiện:
  2. Xét xử vụ án FLC
  3. Đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam
  4. Vụ án đầu độc người thân bằng xyanua

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tù

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - VKS đánh giá thủ đoạn phạm tội của Trịnh Văn Quyết là mới, tinh vi, đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán.

Chiều 26/7, VKSND công bố bản luận tội 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, sau 3 ngày xét hỏi.

Theo đại diện VKS, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn, là nơi tạo ra công ăn việc làm cho người dân, nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để làm minh bạch thị trường này.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định thủ đoạn phạm tội của Trịnh Văn Quyết là mới, tinh vi, đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán.

VKS ghi nhận ông Quyết đã nộp khắc phục hậu quả vụ án nhưng số tiền nộp là không đáng kể (hơn 240 tỷ đồng) so với hậu quả bị cáo này gây ra là hơn 4.300 tỷ đồng.

Do đó, VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Chủ tịch FLC 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt đề nghị là 24-26 năm tù.

Em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế bị VKS đánh giá là phạm tội tích cực, thực hiện các hành vi giúp sức cho ông Quyết chạy dòng tiền, nâng khống vốn chủ sở hữu Công ty Faros để Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mượn giấy tờ cá nhân của người khác để thao túng thị trường chứng khoán.

Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị 13-14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 4-5 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hình phạt bị đề nghị là 17-19 năm tù.

Một em gái khác của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga bị VKS đề nghị phạt 7-8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3-4 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng 10-12 năm tù.

Cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung cũng bị đề nghị xử phạt 2 tội danh trên, với tổng hình phạt bị đề nghị 11-13 năm tù.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tù - 1

Đại diện VKS tại phiên tòa (Ảnh: H.N.).

Tại tòa, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thừa nhận các cáo buộc trong cáo trạng, không đưa ra lời bao biện hay tự bào chữa nào về hành vi của bản thân với cả 2 tội danh.

Ông Quyết giãi bày rằng ông ta không có mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, cũng như không hề muốn "úp bô" mã cổ phiếu ROS.

Về tài sản và phương án khắc phục hậu quả hơn 4.300 tỷ đồng của vụ án, Trịnh Văn Quyết mong HĐXX tạo điều kiện với khối tài sản trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng đang bị cơ quan điều tra phong tỏa, để bị cáo có thể dùng để khắc phục vụ án.

Tương tự, các bị cáo còn lại đều thừa nhận cáo buộc, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải và mong HĐXX cho được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 24-26 năm tù - 2

Ông Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa (Ảnh: Bảo vệ pháp luật).

Riêng chỉ có bị cáo Lê Văn Tuấn (cựu Kiểm toán viên CPA Hà Nội, đã phản cung và đổ thừa cho ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc CPA Hà Nội).

Tuấn tố cáo ông Tỉnh gây sức ép, buộc phải ký báo cáo kiểm toán của Công ty Faros, đồng thời "mớm" lời khai cho Tuấn trước khi làm việc với cơ quan điều tra.

Trước tòa, bị cáo Tỉnh bác bỏ hoàn toàn những lời khai trên của Tuấn.

Trong ngày xét xử thứ 3, nhiều bị hại được HĐXX cho đưa ra ý kiến. Họ đều chung quan điểm muốn được Trịnh Văn Quyết bồi thường bằng cách mua lại cổ phiếu ROS bằng giá trị lúc mua. Đặc biệt, một số người còn xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch FLC, để bị cáo trở về tiếp tục kinh doanh, khắc phục hậu quả.