Những cánh tay đắc lực giúp Phạm Công Danh rút ruột hàng nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, nhiều lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam cùng lãnh đạo của 17 công ty là những “cánh tay đắc lực” giúp Danh rút hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng này.
Ngày 19/7, tới đây TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm về tội“cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành VNCB với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.
Trong quá trình điều hành ngân hàng này, Chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh đã thực hiện hàng loạt sai phạm nhằm rút tiền để chi trả nợ, lương, chăm sóc khách hàng và các mục đích cá nhân dẫn đến thiệt hại cả chục ngàn tỷ đồng.
Những người giúp sức tích cực, cánh tay đắc lực giúp Danh thực hiện hành vi trên có Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Lê Khắc Thái (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Viết Thắng (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB)…
Cụ thể, bị can Phan Thành Mai, với vai trò Tổng giám đốc VNCB nhưng cùng cấp dưới xây dựng các bộ hồ sơ vay vốn, phương án duyệt kinh doanh không có thật; tham gia họp HĐQT để VNCB phê duyệt cho vay. Mai còn ký các thông báo đồng ý cho vay tổng cộng 4.350 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận điều tra, Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai tìm mọi cách để thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư 900 tỷ đồng cho Quỹ Lộc Việt đầu tư trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh (do Danh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc). Mục đích là để tiền ngân hàng thông qua Quỹ Lộc Việt đầu tư vào trái phiếu Tập đoàn Thiên thanh thì số tiền ủy thác đó mới quay lại ngân hàng để có tiền sử dụng.
Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại VNCB, bị can Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh (đều là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB) bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, để cho Danh và đồng phạm thực hiện nhiều giao dịch rút tổng cộng hơn 18.687 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng.
Ngoài ra, kết quả điều tra còn xác định có 17 người là giám đốc các doanh nghiệp hỗ trợ ông Danh rút tiền ngân hàng ra tiêu xài. Cụ thể, sau khi giúp Danh ký các hợp đồng khống rút hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB, 17 giám đốc đã đem tiền gửi 3 ngân hàng khác theo chỉ đạo của Danh. Họ dùng chính số tiền này để bảo lãnh cho các công ty của Danh thực hiện 29 lượt vay, sau đó đưa tiền cho Danh sử dụng vào mục đích riêng.
Xuân Duy