Hot girl ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ: Hàng loạt nhân viên nhúng chàm vì “đồng nghiệp tốt”
(Dân trí) - Dưới áp lực chỉ tiêu huy động vốn và được lãnh đạo “bật đèn xanh”, nhiều nhân viên Eximbank phòng giao dịch huyện Đô Lương và Chi nhánh Vinh đã bỏ qua quy định, cho Nguyễn Thị Lam rút tiền trong sổ tiết kiệm của khách. Lam “biển thủ” 50 tỷ, còn các nhân viên này bị liên đới, đối mặt với bản án phạt tù.
Liên quan đến vụ án Nguyễn Thị Lam (SN 1987) – nguyên nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có 15 cán bộ, nhân viên của Ngân hàng này tại Nghệ An cũng bị đưa ra xét xử.
Nguyễn Thị Lam – với tư cách là nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương bị cáo buộc sử dụng thủ đoạn gian dối, trà trộn vào hồ sơ các tờ giấy trắng để 6 khách hàng VIP ký. Từ các chữ ký trên giấy trắng đó Lam “phù phép” thành các ủy nhiệm chi, lệnh chi... đưa cho các giao dịch viên, thủ quỹ thực hiện việc gửi, rút tiền trong các sổ tiết kiệm của khách. Bằng cách này Lam đã "rút ruột" hơn 50 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách và chiếm đoạt.
Dù không được hưởng lợi từ số tiền hơn 50 tỷ mà Lam chiếm đoạt nhưng 15 cán bộ, nhân viên ở 2 Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Chi nhánh Eximbank Vinh đã thực hiện không đúng quy định về gửi và rút tiền tiết kiệm, dẫn đến việc thất thoát tiền trong sổ tiết kiệm của khách. Nhóm bị cáo này bị truy tố, xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số này có cả Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, thậm chí có nhân viên vừa được điều động từ nơi khác đến mới hơn 10 ngày.
Theo đánh giá của nhiều bị cáo, Nguyễn Thị Lam là người tận tình với khách hàng và là người duy nhất mang về chỉ tiêu huy động vốn cho Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương. Trong áp lực mang tên “chỉ tiêu huy động”, Lam đã được lãnh đạo và các đồng nghiệp “tạo điều kiện” hết mức, dù rằng, các “điều kiện” đó không đúng với các quy định của ngân hàng này. Chính bị cáo Lam cũng thừa nhận tại phiên tòa rằng các bước thủ tục mặc dù không đúng quy định nhưng đã được lãnh đạo Phòng giao dịch cho phép.
Được “bật đèn xanh” từ lãnh đạo Phòng giao dịch, cũng như tin tưởng đồng nghiệp, các nhân viên ngân hàng này đã giải quyết thủ tục gửi, rút tiền tiết kiệm cho khách thông qua Nguyễn Thị Lam mà không cần sự có mặt của khách hàng, không có sổ tiết kiệm cũng như giấy tờ tùy thân của khách.
Bị cáo Lê Thị Thu Hà – nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương khai: Lúc chị Lam đưa hồ sơ, thủ tục yêu cầu giải quyết để rút tiền tiết kiệm cho khách, bị cáo có hỏi khách hàng ở đâu sao không có mặt và yêu cầu phải có mặt khách mới giải quyết thủ tục được. Lãnh đạo Phòng giao dịch nói khách hàng VIP của chị Lam, không đến phòng giao dịch mà thông qua Lam, thông lệ từ trước đến giờ như thế rồi, em cứ thế mà giải quyết cho họ nên bị cáo đã làm thủ tục rút tiền tiết kiệm cho khách thông qua chị Lam.
"Trong tiềm thức của bị cáo cũng như các nhân viên khác không nghĩ đó là sai trái cho đến khi bị công an phát hiện. Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng đó là sự “linh động” và là “đang xây dựng hình ảnh cho ngân hàng”, bị cáo Hà nói.
Trong vai một “đồng nghiệp tốt”, Nguyễn Thị Lam đã "nhường" khách cho Hồ Thanh Huyền (SN 1979, nguyên kiểm soát viên Eximbank Chi nhánh Vinh) đủ chỉ tiêu huy động. Cảm kích trước hành động của Lam, mặc dù không biết khách hàng là ai nhưng Huyền vẫn làm thủ tục mở sổ tiết kiệm cho khách bằng số tiền và thông tin khách hàng mà Nguyễn Thị Lam cung cấp rồi giao sổ tiết kiệm để Lam về đưa cho khách.
Theo bị cáo Huyền, có lần Lam nói khách đang ở Vinh và yêu cầu rút sổ tiết kiệm cho khách nhưng sau đó lại nói khách bận việc không đến trực tiếp giao dịch được. Lam đưa ủy nhiệm chi mang tên khách đề nghị Huyền làm thủ tục rút tiền.
"Đây không phải là lần đầu tiên khách rút tiền mà không cần có mặt. Thực tế thì không phải chỉ kiểm soát viên mà nhân viên bình thường cũng có thể rút rồi cầm tiền đưa về cho khách. Hơn nữa do tin tưởng Lam nên tôi đã làm thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm của khách và giao cho Lam mà không biết Lam chiếm đoạt số tiền đó”, bị cáo Huyền trình bày.
Các bị cáo khác cũng cho rằng do áp lực chỉ tiêu huy động vốn được giao cho phòng giao dịch và do tin tưởng bị cáo Lam và đã được lãnh đạo đơn vị cho phép nên đã “bỏ qua” một số bước trong quy định về hồ sơ thủ tục để thực hiện các giao dịch gửi rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Với hành vi này, tùy theo mức độ phạm tội có 12 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt từ 10-20 năm tù, 3 bị cáo đối mặt với bản án từ 3-12 năm tù, 1 bị cáo có khung hình phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.
Trong 3 ngày 26-28/6, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án ra xét xử công khai. Do nhiều tình tiết liên quan đến việc bị cáo Nguyễn Thị Lam sử dụng số tiền chiếm đoạt chưa được làm rõ nên phiên xử đang tạm dừng. Theo kế hoạch, ngày 5/7 tới, việc xét xử sẽ được tiếp tục.
Hoàng Lam