1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đại án VNCB: Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm

(Dân trí) - Sáng 27/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và đồng phạm. Đây là đại án kinh tế được dư luận quan tâm vì số tiền thất thoát lên đến trên 9.000 tỷ đồng.


Phạm Công Danh không bề ngoài không khác nhiều so với phiên xử trước

Phạm Công Danh không bề ngoài không khác nhiều so với phiên xử trước

11h, tòa tạm nghỉ, dự kiến 14h chiều nay tiếp tục.

10h50, tòa tiếp tục làm việc. Đại diện VKS trả lời những yêu cầu của luật sư đặt ra trước đó. Cụ thể, đối với việc ông Trần Quý Thành không đến dự toà thì đã có đơn xin vắng mặt. Đối với việc triệu tập ông Hà Văn Thắm hay nhóm Phương Trang nếu các luật sư có căn cứ cho rằng những người này liên quan tới vụ án thì trong quá trình xét xử HĐXX sẽ triệu tập.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu thay đổi thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên là trong 3 thẩm phán hợp thành HĐXX trong vụ án này.

Theo luật sư thì bà Duyên là chủ tọa vụ "Con ruồi 500 triệu" cũng như thẩm phán vụ này nên nghi ngờ tính minh mạch khách quan bởi cả hai vụ đều liên quan tới nhóm Tân Hiệp Phát.

HĐXX hội ý và cho rằng luật sư không có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán bởi vụ án luật sư đề cập không liên quan tới vụ án này. Phiên toà vẫn được tiếp tục phiên tòa. Trong quá trình xét hỏi có những tình tiết phát sinh thì HĐXX sẽ triệu tập những người liên quan.

10h, Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh phát biểu yêu cầu Trang Phố Núi phải có mặt.

Trước đó, TAND cấp cao đã có đơn gửi đơn thư tới trung tâm hỗ trợ tư pháp của Mỹ. Luật sư Trương Quang Tám bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn yêu cầu triệu tập ông Hà Văn Thắm cũng như những người trong nhóm Phú Mỹ gồm: Công ty cổ phần đầu tư Phú Mỹ, Huỳnh Thị Xuân Hương, Huỳnh Thị Xuân Thanh, Hứa Thị Bích Hạnh.... Luật sư Hà Hải nêu ý kiến cần triệu tập ông Luận đại diện cho nhóm Phương Trang vì đây là con nợ lớn nhất của VNCB.

Sau phần nêu ý kiến của các luật sư, phiên toà phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm nghỉ giải lao.

Đại án VNCB: Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm - 2

9h50, 127/162 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt. Có 3 người kháng cáo không có mặt tại tòa nhưng đã ủy quyền cho bà Trần Ngọc Bích.

9h30, bà Ngô Kim Lan, đại diện cho nhà Cường đô la đã xuất hiện tại phiên phúc thẩm.

Theo cáo trạng, từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng, Phạm Công Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo các cấp dưới ở VNCB và tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân của các công ty mình thành lập và các công ty quen biết để lập các hồ sơ vay tiền.

Cụ thể, Phạm Công Danh sử dụng các pháp nhân này để xây dựng hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, nâng giá các lô đất là tài sản đảm bảo... để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng. Phạm Công Danh đã thông qua các mối quan hệ để kết nối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.

Ngày 28/6/2013, ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường là đại diện ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng tại VNCB chi nhánh Sài Gòn. Mục đích kinh doanh bất động sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với hai lô đất tại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng của công ty TNHH Thành Thành Công (không phải Tập đoàn Thành Thành Công - PV).

Ngày 29/6/2013, VNCB giải ngân 300 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Nhà Quốc Cường. Sau đó, số tiền này được chuyển vào tài khoản một công ty khác rồi chuyển đến Thiên Thanh để Phạm Công Danh rút ra sử dụng.

Tuy nhiên, khoản vay này sau đó đã được công ty Nhà Quốc Cường chuyển toàn bộ nghĩa vụ trả nợ trên sang công ty Thành Thành Công. Vì vậy, cáo trạng của VKS cho rằng: “Khoản vay 300 tỷ đồng của Công ty nhà Quốc Cường được xác định không bị thất thoát”.

Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn vay nhưng công ty Thành Thành Công không trả tiền nên VNCB không thể thu hồi. Do đó, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường vẫn được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ các tình tiết vụ án. Đồng thời, các cá nhân liên quan cũng được tòa triệu tập là: ông Đinh Văn Hùng - Giám đốc công ty Nhà Quốc Cường; bà Nguyễn Ngọc Huyền My- Phó Giám đốc tài chính công ty Nhà Quốc Cường; ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐTV công ty Nhà Quốc Cường; bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.

Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm, cả bà Loan, ông Cường và bà Huyền My đều không đến tòa mà ủy quyền cho bà Ngô Kim Lan làm đại diện tham dự.

9h20, chủ tọa Đặng Quốc Khởi bắt đầu đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

9h10, phiên tòa vẫn chưa bắt đầu.

8h50, Thư ký tòa án điểm danh những người được triệu tới tòa

7h50, bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến toà. Bị cáo Danh xuất hiện trong chiếc áo sơ mi caro sọc, so với phiên toà sơ thẩm, bị cáo Phạm Công Danh có gầy hơn nhưng không nhiều thay đổi.

Do phiên tòa đông người tham gia nên TAND cấp cao mượn phòng xử của TAND TP HCM và trưng dụng phòng xử án A của Tòa làm phòng xử án chính. Liền kề với phòng xử án A là khoảng trống, Tòa trưng dụng, bố trí ghế ngồi để các nhân chứng và người dự tòa ngồi.

Phiên toà được theo dõi trực tiếp qua màn hình tivi truyền từ phòng xét xử A sang. Các cơ quan báo chí cũng theo dõi qua màn hình và cách khá xa phòng xử chính.

Đại án VNCB: Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm - 3
Đại án VNCB: Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm - 4
Đại án VNCB: Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm - 5
Đại án VNCB: Xét xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm - 6

Các bị cáo đã có mặt tại phiên xử sáng nay

Các bị cáo đã có mặt tại phiên xử sáng nay

Trước phiên tòa xét xử, các luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cho biết : “Hiện sức khỏe của ông Danh đang ngày yếu đi so với lúc tòa xét xử sơ thẩm. Ông ấy bị suy thận cấp độ 2 và một số bệnh lý liên quan tới tim mạch. Trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới kéo dài gần 1 tháng, chúng tôi khá lo ngại sức khỏe ông ấy có đảm bảo để tham dự phiên tòa hay không”.

Trong phiên toà sơ thẩm vào ngày 9/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.HCM đã tuyên mức án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh về 2 tội: vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo Phan Thành Mai (22 năm tù); Mai Hữu Khương (20 năm tù); Hoàng Đình Quyết (19 năm tù) cho cả 2 tội danh nêu trên.

Ngoài mức án trên, HĐXX cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Danh kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm; đề nghị cấp phúc thẩm thu hồi hơn 3.600 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) mà bị cáo đã trả bà Phấn để mua cổ phần và tài sản của nhóm Phú Mỹ nhưng đến nay Danh vẫn chưa nhận được tài sản; xin giảm nhẹ hình sự, xem xét lại tội danh vi phạm quy định cho vay vì thực tế không có hậu quả và bị cáo không chỉ đạo để đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội; định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự về Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng)...

Các bị cáo Phan Thành Mai (tổng giám đốc VCNB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và 20 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự cũng có đơn kháng cáo.

Xe chở các bị cáo đến phiên xử sáng nay
Xe chở các bị cáo đến phiên xử sáng nay

Toà phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP HCM cho biết tòa đã gửi giấy ủy thác triệu tập bà Phạm Thị Trang (Trang Phố núi) tham gia phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh.

Theo cáo trạng, VNCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tái cơ cấu ngày 6/9/2012. Sau đợt tái cơ cấu này, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNBC.

Sau đó, bị cáo Danh đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh (do chính Danh làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc) và VNCB lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ của mình và tập đoàn Thiên Thanh, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. Tổng cộng trong vụ án này, Phạm Công Danh với vai trò chủ mưu cùng đồng bọn đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Phiên tòa này dự kiến kéo dài trong vòng 1 tháng.

Trung Kiên - Xuân Duy