1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đại án VNCB: Phạm Công Danh dùng bằng giả, bật khóc trước tòa

(Dân trí) - Trước HĐXX, bị cáo Phạm Công Danh trình bày sức khỏe yếu và trí nhớ không rõ rồi bất ngờ bật khóc nhưng vẫn cố gắng đứng trả lời các câu hỏi. Theo xác minh của Tòa tại trường Kinh tế TP HCM, bị cáo Danh không học ở đây, Chủ tọa yêu cầu VKS xem xét truy tố bị cáo sử dụng bằng cấp giả nếu đủ căn cứ.

Sáng 29/7, phiên tòa xét xử đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục làm việc ngày thứ 9 với phần xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh (SN 1964, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh).

Bị cáo Phạm Công Danh dùng bằng giả

Bị cáo Phạm Công Danh không nhớ đã học ở trường nào, ai dạy...
Bị cáo Phạm Công Danh không nhớ đã học ở trường nào, ai dạy...

Trước khi xét hỏi, HĐXX nhắc bị cáo Phạm Công Danh bị cáo cố gắng đứng trả lời, lúc nào mệt thì ngồi. Tại tòa, bị cáo Danh nghe và đọc cáo trạng và xác định bản cáo trạng bị cáo nhận được giống với cáo trạng công bố tại tòa. “Với hành vi của mình, bị cáo có những điều đúng nhưng vẫn có nhiều hành vi cần xem xét lại hoàn cảnh, bối cảnh phạm tội, bị cáo xin HĐXX trình bày từng vấn đề một”, bị cáo Phạm Công Danh trình bày.

Bị cáo Danh khai từng học quản trị kinh doanh, vừa học vừa làm và học chương trình đào tạo trực tiếp, tùy theo từng theo thời gian bị cáo có ngắt đoạn thời gian học. Bị cáo học tại chỗ hệ vừa học vừa làm nhưng không nhớ học ở đâu? ai là người đào tạo. Bị cáo vẫn trình bày sức khỏe và trí nhớ không rõ, nói đến đây bị cáo Danh khóc lớn thành tiếng nhưng vẫn cố gắng đứng trả lời các câu hỏi của chủ tọa. Theo bị cáo Danh, những câu hỏi về lý lịch bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra hiện tại sức khỏe và trí nhớ kém nên bị cáo không nhớ rõ.

Chủ tọa đọc hồ sơ lý lịch cáo: Theo hồ sơ thì bị cáo học QTKT do trường ĐH Kinh tế TPHCM, bằng thạc sĩ đào tạo tại Úc, qua xác minh tại trường Kinh tế TP HCM thì bị cáo không học ở đó. Tới đây chủ tọa yêu cầu VKS xem xét truy tố bị cáo sử dụng bằng cấp giả nếu đủ căn cứ.

Phạm Công Danh từng tính “bỏ của chạy lấy người”

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Cụ thể, tại phiên tòa, bị cáo Danh khai đề án tái cơ cấu do Phan Thành Mai viết. Theo đề án này, Danh đại diện cho nhóm cổ đông mới (bao gồm 21 cổ đông, trong đó có bố của Phạm Công Danh là ông Phạm Toàn). Trong nhóm cổ đông mới này, Danh thừa nhận có nhiều người không có tài chính, cũng có người có khả năng tài chính nhưng sau khi tìm hiểu về thực trạng tại Ngân hàng Đại Tín đã rút vốn không tham gia.

Về nguồn tiền để tái cơ cấu, bị cáo Danh cho biết: “Tôi tin tưởng là sẽ thực hiện được vì lúc đó Tập đoàn Thiên Thanh đang kinh doanh tốt, quản lý nguồn bất động sản lớn. Số dư tài khoản có nhiều ở các ngân hàng, trong đó riêng ở Ngân hàng Đầu tư đã có khoảng hơn 1.000 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai tái cơ cấu, Danh đó mới “sốc” nặng vì chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn, có lúc lên đến 6-7%. Lãi suất vượt trần lúc đó cũng không đúng với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Lúc đó tôi tính từ bỏ, sẵn sàng mất hàng trăm tỷ đồng đã đầu tư trước đó”, bị cáo Danh kể.

Tại phiên tòa, Phạm Công Danh cũng đề nghị HĐXX khi xem xét hành vi của bị cáo cũng phải xem xét hoàn cảnh thời điểm đó vì Ngân hàng Đại Tín đang ở tình trạng “cấp cứu đặc biệt” và hầu hết các ngân hàng thời điểm đó đều có tình trạng “đi đêm lãi suất”.

Trước HĐXX, bị cáo Phạm Công Danh khai, ban đầu không biết nhóm Phú Mỹ mà bị cáo đến với Ngân hàng Đại Tín qua Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương). Danh khai thêm, sau nhiều lần tiếp xúc với Hà Văn Thắm, bị cáo có đặt vấn đề về việc xây dựng một ngân hàng mới trong lĩnh vực xây dựng, Thắm khuyên “Làm ngân hàng mới làm gì, để tôi giới thiệu cho anh một ngân hàng” và Thắm đã giới thiệu cho bị cáo ngân hàng Đại Tín.

"Sau đó, do đầu tư quá nhiều tiền (đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng, cầm cố nhiều tài sản…) nên bị cáo bị sa lầy và không thể... “rút chân” ra khỏi ngân hàng Đại Tín". Tại tòa, Danh ấm ức: “Tôi là nạn nhân của ngân hàng này…”.

“Trước khi về Đại Tín tôi đã trả cho Thắm tiền chi phí chăm sóc khách hàng với số tiền 1.000 tỷ đồng, sau đó là 800 tỷ đồng sau chốt lại là 500 tỷ đồng. Sau khi tiếp quản ngân hàng Đại Tín nhưng khi tiếp xúc thì tôi đã trả một số tiền rất lớn để chăm sóc khách hàng cho các chi nhánh ngân hàng của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Số tiền 500 tỷ đồng mà tôi đưa cho Hà Văn Thắm là có giấy tờ. Số tiền bỏ ra chăm sóc khách hàng thì không có giấy tờ”, bị cáo Danh khai.

HĐXX hỏi vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín lúc bị cáo nhận chuyển nhượng là bao nhiêu? – Bị cáo Danh trả lời: Dạ 3.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 2.800 tỷ đồng.

Nguồn tiền nào để Phạm Công Danh tái cơ cấu VNCB?

Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh lúc khỏe, lúc mệt...lúc không nhớ
Tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh lúc khỏe, lúc mệt...lúc không nhớ

HĐXX đặt câu hỏi: Khi thực hiện đề án tái cơ cấu Đại Tín thì bị cáo đại diện cho bao nhiêu cổ đông? - Bị cáo không nhớ và chỉ biết đại diện cho nhóm cổ đông mới nằm trong việc cơ cấu ngân hàng.

Trước câu trả lời của bị cáo Danh, Tòa nhắc cho bị cáo nhớ: Bị cáo đại diện cho pháp nhân là tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo đại diện cho 20 cá nhân gồm: Trần Anh Thi, Phạm Thị Trang, Phạm Công Trung, Phạm Công Tần, Lê Văn Hùng, Nguyễn Như Mai, Phan Minh Tùng, Bùi Hà Thu, Phạm Thị Kim Hạnh, Phạm Tòa (bố của bị cáo Danh), Nguyễn Thị Quỳnh Trang…

Danh sách đó chính xác, nhưng danh sách tôi trình Ngân hàng Nhà nước thì một số cá nhân không có.

HĐXX: Nguồn tiền lấy từ đâu để tái cơ cấu ngân hàng? – Bị cáo Danh: Lầy từ những người có tên trong danh sách đứng tên cổ phần trên là không có tiền, sau đó một số người rút. Lúc đó, năng lực tài chính của tập đoàn Thiên Thanh lúc đó rất vững, tài sản là bất động sản khá lớn. Bị cáo không thể thành lập ngân hàng mới và chỉ có thể tái cơ cấu ngân hàng nên bỏ tiền vào đây rất nhiều.

21 người trong nhóm cổ đông mới không có khả năng tài chính mà bị cáo vẫn đưa vào danh sách trình Thủ tướng xem xét phê duyệt? HĐXX đặt câu hỏi.

Bị cáo Danh khai, những cổ đông trước đó có năng lực tham gia tái cơ cấu Đại Tín gồm: BIDV, công ty Dầu khí Việt Nam và một loạt các doanh nghiệp khác vào ngân hàng rồi đều bỏ đi vì thấy Đại Tín quá “nát”. Do vậy, tôi phải cho tên những người không có năng lực tài chính vào danh sách tài cơ cấu ngân hàng. Khi tôi tiếp quản thì tôi thế chấp hết tất cả tài sản, hoặc bán tài sản để có tiền.

Theo nội dung vụ án, tháng 11/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB” do Phạm Công Danh chủ mưu. Theo đó, Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.190 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.

Trung Kiên – Xuân Duy