1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Đại án VNCB: Hơn 5.000 tỷ đồng “bốc hơi” như thế nào?

(Dân trí) - Trải qua 5 ngày làm việc liên tiếp, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sẽ bước vào “điểm nóng” xoay quanh việc hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi”. Dù không có chữ ký của chủ tài khoản nhưng số tiền khổng lồ này vẫn được rút một cách dễ dàng.

Giao dịch “chui” hàng nghìn tỷ đồng?

3-1469320491894

Điều hành VNCB 2 năm, Phạm Công Danh làm vốn ngân hàng âm hơn 18.000 tỷ đồng

Vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB đã trả qua một tuần làm việc, HĐXX cũng đã xét hỏi hầu hết các bị cáo liên quan trực tiếp đến việc ký hợp đồng khống rút hàng nghìn tỷ đồng từ VNCB để cho Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh trả nợ, chi tiêu.

Trong ngày làm việc thứ 3, đại diện VKS ND TPHCM đã công bố cáo trạng với những tình tiết khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, trong thời gian Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát VNCB, ngân hàng này đang bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch có trị giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát – Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, bị cáo Phạm Công Danh vẫn thực hiện được những phi vụ rút tiền nghìn tỷ từ tài khoản của khách hàng bằng các thủ đoạn đơn giản.

Cụ thể, để qua mặt Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Danh chấp nhận đề xuất của Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) là sẽ rút tiền thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking. Đây là một trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu VNCB đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên chắc chắn sẽ được thông qua. Sau khi bàn bạc, Danh và thuộc cấp đã lập lập công ty, thuê giám đốc rồi khống hợp đồng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Khi VNCB đã cạn tiền, Phạm Công Danh đã thông qua trung gian nhờ 1 nhóm nhà đầu tư (chủ yếu là bà Trần Ngọc Bích và gia đình) gửi tiền vào VNCB. Sau đó, nhóm này vay lại tiền từ VNCB bằng tài sản thế chấp là các sổ tiết kiệm mà họ đã gửi trước đó. Phạm Công Danh chỉ đạo các thuộc cấp lập hồ sơ cho nhóm nhà đầu tư trên vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm.

Bà Trần Ngọc Bích không thừa nhận cho Danh vay tiền và chỉ thừa nhận có cho Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang "Phố Núi") vay tiền và hai bên đã thanh toán xong, bà Bích cũng không thừa nhận thỏa thuận nhận lãi ngoài. Không có tài liệu nào thể hiện thỏa thuận vay mượn giữa nhóm bà Bích với Danh. Căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra đến nay chưa đủ căn cứ để xác định hành vi của Ngọc Bích là đồng phạm giúp sức cho Danh.

Dù đang là nhân vật chính trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng nhưng bị cáo Phạm Công Danh khá bình thản tại tòa
Dù đang là "nhân vật" chính trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng nhưng bị cáo Phạm Công Danh khá bình thản tại tòa

Ngoài những lần giao dịch đã tất toán trên của 2 bên, Phạm Công Danh còn tự ý rút gần 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB (do VNCB giải ngân các khoản vay bằng cách cầm sổ tiết kiệm) mà không có chữ ký của bà này. Ngoài ra, còn có 300 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân trong nhóm bà Bích nhưng cũng bị Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu mà không hề có hồ sơ chứng từ.

Hiện nay, nhóm bà Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỷ đồng mà nhóm này đã gửi tại VNCB. Vì lý do số tiền của bà Bích vay 5.190 tỷ đồng bằng việc cầm 124 sổ tiết kiệm trên được VNCB chuyển vào tài khoản của bà nhưng đã bị Danh tự ý lấy sử dụng. 3 sổ tiết kiệm khác cũng bị Danh tự ý lấy ra 300 tỷ đồng.

Đường “bốc hơi” hơn 5.000 tỷ của khách hàng

Các bị cáo tại tòa, trong đó có nhiều người là thuộc cấp của Danh và giúp Danh chiến đoạt hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng
Các bị cáo tại tòa, trong đó có nhiều người là thuộc cấp của Danh và giúp Danh chiến đoạt hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi của khách hàng

Trong ngày làm việc thứ 5, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, ngụ phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), nguyên phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang về trách nhiệm của bị cáo này đối với số tiền 5.190 tỷ đồng của Trần Ngọc Bích vay bằng phương pháp cầm cố sổ tiết kiệm.

Tại phiên tòa, Hoàng Đình Quyết cho biết Quyết gắn bó với Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) từ trước khi Phạm Công Danh nhận ngân hàng. Tình hình khó khăn của ngân hàng đã tồn tại từ trước. Quyết kể rằng có thời điểm khách hàng đến rút tiền nhưng cả tuần không có tiền để trả.

Do đó, nỗi lo thanh khoản cho ngân hàng là một nỗi lo lớn mà toàn bộ cán bộ nhân viên ngân hàng đều phải tìm cách thu hút khách hàng gửi tiền vào, và ưu đãi trả tiền ngoài lãi suất của ngân hàng quy định lên tới 4%/năm. Theo lời khai của Quyết, số tiền 5.190 tỷ đồng được Trần Ngọc Bích gửi vào VNCB dưới các sổ tiết kiệm mang tên nhiều người trong gia đình và công ty của Bích. Sau đó những người này lại làm hợp đồng thế chấp chính những sổ tiết kiệm này để vay tiền của VNCB. Tiền được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh và một số cá nhân khác rồi được mang đi trả nợ mà chưa hề có chữ ký của các chủ tài khoản.

Dù hồ sơ rút tiền không có chữ ký của các chủ tài khoản nhưng Hoàng Đình Quyết cho rằng về mặt ý chí, bà Bích và các chủ tài khoản này biết rất rõ việc tiền được chuyển đi. Bởi việc chuyển tiền không chỉ thực hiện một lần mà nhiều lần, nhưng các chủ tài khoản đều không có ý kiến gì về việc này.

Tuy nhiên, Quyết cũng nói việc làm của Quyết là sai nguyên tắc kế toán nhưng có căn cứ để Quyết thực hiện, bởi trước tiên là sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, sau là ý chí của chủ tài khoản. Do đó, đề nghị HĐXX xem xét toàn diện các hành vi của bị cáo.

Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh
Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh

Cũng tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc VNCB, cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh đã khai báo bổ sung 1 chi tiết về số tiền 5.190 tỷ đồng Danh đã rút ra từ tài khoản của Trần Ngọc Bích mà không có chữ ký của chủ tài khoản và 300 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích mà không có chứng từ. Theo bị cáo Mai, bị cáo chỉ ký lệnh cho rút tiền như một thủ tục hợp thức hóa cho đúng quy định của ngân hàng Nhà nước, còn thực tế khi bị cáo ký thì 2 khoản tiền 5.190 tỷ đồng và 300 tỷ đồng trên đã giải ngân.

Hiện bà Vũ Thị Như Thảo, Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, đã cung cấp được bản sao sổ giao nhận hồ sơ tín dụng do ông Vũ Anh Tuấn ký cho HĐXX.

Tòa yêu cầu bà Bích có mặt để trả lời các câu hỏi của HĐXX nhưng bà Bích không có mặt. Dự kiến ngày mai, phiên tòa xét xử vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB sẽ đi vào “điểm nóng” xoay quanh số tiền hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng bị “bốc hơi” khi không có chữ ký của chủ tài khoản.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ đại án kinh tế này.

Trung Kiên – Xuân Duy