Xe thuần điện, xe hybrid và xe hybrid sạc điện có gì khác nhau?
(Dân trí) - Tất cả đều là xe chạy điện, nhưng chúng rất khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu ưu, nhược điểm của từng loại.
Xe điện đang là một trong những từ khóa "hot" hiện nay. Nếu bạn cũng có ý định góp phần bảo vệ môi trường bằng việc chuyển sang dùng xe điện thì đừng nghĩ rằng xe điện chỉ có 1 loại mà hiện nay dòng sản phẩm này có rất nhiều lựa chọn, từ công nghệ cho tới chủng loại xe.
Xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc điện (PHEV) vẫn dùng động cơ xăng, chạy cả bằng xăng và điện. Xe thuần điện (BEV, hoặc thường được gọi ngắn gọn là EV), đúng như tên gọi, vận hành hoàn toàn bằng điện. Cả 3 loại xe điện này đều có đủ chủng loại, từ xe đô thị cho tới SUV cỡ lớn và bán tải.
Việc lựa chọn xe thuần điện, xe hybrid hay xe hybrid sạc điện tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện sử dụng.
Xe hybrid (HEV)
Xe hybrid sử dụng kết hợp động cơ đốt trong với mô-tơ điện (một hoặc hai), cho hiệu suất cao nhất. Trong một số điều kiện nhất định, động cơ đốt trong có thể ngắt hoàn toàn, để xe chạy hoàn toàn bằng mô-tơ điện, thường là khi xe chạy chậm và duy trì tốc độ đều.
Cụm pin của xe hybrid được sạc bằng việc thu hồi năng lượng từ hệ thống phanh hoặc sạc trực tiếp bằng động cơ xăng. Đó là lý do xe còn được gọi là hybrid tự sạc. Công nghệ này đã tồn tại hơn 20 năm.
Xe hybrid có đủ kích cỡ và kiểu dáng, với mức tiêu thụ nhiên liệu thấp nhất hiện nay chỉ khoảng 4 lít/100km. Đây là loại xe phù hợp với người thường xuyên chạy đường dài, chỉ có duy nhất một chiếc ô tô, và/hoặc không có chỗ sạc. Tất cả những gì bạn cần làm là đổ đầy bình xăng, bạn không cần lo tìm trạm sạc pin.
Ưu điểm của xe hybrid là tiết kiệm xăng/diesel, lượng khí thải ô nhiễm thấp hơn so với xe thuần xăng, không cần cắm sạc pin và có thể đổ xăng/diesel tại các trạm nhiên liệu bình thường. Sử dụng kết hợp động cơ xăng và điện cũng giúp xe hybrid có khả năng bứt tốc tốt hơn, giảm tiếng ồn từ động cơ.
Nhược điểm lớn nhất của loại xe này là giá thành đắt hơn khoảng 5-10% so với xe cùng loại nhưng dùng động cơ thuần xăng. Với các mẫu ô tô phổ thông ở Việt Nam thì bản hybrid thường đắt hơn tầm 50-100 triệu đồng so với bản thuần động cơ đốt trong. Bên cạnh đó, một số cuộc thử nghiệm cho thấy, trọng lượng xe lớn hơn nên quãng đường phanh dài hơn một chút so với xe thuần xăng.
Ngày nay, hầu hết các hãng đều có xe hybrid. Tại Việt Nam, có thể kể đến các mẫu xe có bản hybrid như Toyota Corolla Cross, Yaris Cross, Innova Cross, Camry, Altis, Haval H6, Nissan Kicks... Những người muốn thử dùng xe điện mà vẫn muốn giữ cảm giác quen thuộc như khi lái xe xăng thì hybrid là một lựa chọn phù hợp.
Xe hybrid sạc điện (PHEV)
Loại xe này tiến gần hơn một bước tới xe thuần điện. Xe hybrid sạc điện (PHEV) có thể chạy 15-80km hoàn toàn bằng điện. Khi pin cạn, xe sẽ hoạt động như hybrid truyền thống và chuyển đổi giữa chạy xăng với chạy điện mượt mà, không có sự khác biệt.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa xe hybrid truyền thống và xe hybrid sạc điện là việc cắm sạc pin. Để luôn đạt được phạm vi hoạt động thuần điện tối đa, bạn cần phải sạc pin cho xe hàng ngày, nhưng ưu điểm của xe hybrid sạc điện là tính linh hoạt.
Ví dụ, một chiếc Toyota RAV4 Prime được sạc đầy pin có thể chạy khoảng 68km chỉ bằng điện, đủ để di chuyển loanh quanh trong ngày. Với thêm một bình xăng đầy, xe có thể chạy hơn 950km.
Xe PHEV phù hợp nhất với những người chỉ di chuyển ngắn, có thể khai thác hết khả năng chạy thuần điện của xe, hoặc những người thường xuyên chạy đường dài nhưng tiện trạm sạc.
Có trụ sạc pin ở nhà hoặc chỗ làm việc là lý tưởng nhất với người dùng xe PHEV. Nếu bạn không thể thường xuyên sạc pin cho xe thì PHEV có thể còn không tiết kiệm xăng bằng xe hybrid thông thường, vì xe phải chịu tải nặng hơn từ cụm pin mà bạn không hề sử dụng.
Ngoài ra, các thiết bị, phụ kiện sạc đi kèm theo xe sẽ chiếm không ít không gian chứa đồ của xe PHEV.
Trên thị trường quốc tế có khá nhiều lựa chọn xe PHEV, song tại Việt Nam thì chưa nhiều. Một số cái tên có thể kể đến như Kia Sorento PHEV, Volvo XC90 Recharge, Volvo XC60 Recharge... Dù chi phí mua xe ban đầu cao hơn xe động cơ đốt trong cùng loại, nhưng chi phí vận hành thấp hơn, bên cạnh lợi ích bảo vệ môi trường.
Xe thuần điện (EV hay BEV)
Đúng như tên gọi, xe thuần điện không dùng xăng, dù chỉ để dự phòng. Ngày nay có những mẫu xe điện chạy được hơn 800km/lần sạc, nhưng mức phổ biến là từ 320 đến 560km. Việc chạy trên đường cao tốc, vận hành trong điều kiện lạnh giá, băng tuyết và thói quen lái xe đều có thể làm giảm phạm vi hoạt động của xe điện.
Ngoài ra, trải nghiệm lái xe điện cũng khác so với xe động cơ đốt trong truyền thống. Xe điện khởi động bốc hơn, điều khiến nhiều tay lái thấy phấn khích
Ngày nay, hầu hết xe điện bắt đầu có công nghệ thu hồi năng lượng từ phanh để sạc pin, nên phần lớn thời gian tài xế có thể chỉ dùng một bàn đạp. Ban đầu nhiều người còn bỡ ngỡ, chưa quen, nhưng sau đó sẽ thấy thú vị, lái nhàn hơn trong điều kiện giao thông đông đúc.
Xe điện phù hợp nhất với những người chỉ di chuyển trong nội đô, di chuyển quãng đường ngắn, có thể cắm sạc bất cứ lúc nào, và những người có thể thoải mái chủ động lên lịch sạc cho xe trên đường. Việc sạc pin cho xe điện ngày càng dễ hơn trước vì ngày càng có nhiều trạm sạc.
Bạn cần nắm rõ tốc độ sạc và công suất sạc của xe mình để chủ động sắp xếp lịch trình di chuyển.
Xe điện có một số nhược điểm chính như giá đắt hơn nhiều so với xe xăng cùng loại và phải phụ thuộc vào trạm sạc pin. Khả năng phải tốn kém cho việc thay pin cũng khiến nhiều người còn e ngại, chưa muốn chuyển sang dùng xe thuần điện.
Xe điện phù hợp hơn với người muốn trải nghiệm công nghệ mới mà có điều kiện sở hữu hơn một chiếc ô tô. Như vậy, bạn có thể dùng xe điện khi đi gần và dùng xe xăng khi đi xa hoặc cho những chuyến đi không được lên lộ trình từ trước.