Mẹo kiểm tra ô tô cũ mà ai cũng có thể áp dụng, tiết kiệm thời gian và tiền
(Dân trí) - Hầu hết người mua ô tô cũ sẽ nhờ thợ hoặc mang xe tới xưởng để kiểm tra kỹ lưỡng, rồi mới "chốt đơn". Tuy nhiên, trước khi đi tới công đoạn cuối cùng đó, bạn nên tự kiểm tra thông tin cơ bản về xe.
Thông thường, người mua ô tô sẽ đi xem trước một lượt, thấy ưng ý mới chuyển sang nhờ thợ chuyên nghiệp kiểm tra máy móc. Vậy trong lần đầu "gặp gỡ" với chiếc xe, ngoài cảm nhận chung về hình thức, chất lượng nội ngoại thất và sau khi lái thử thấy ưng ý, người mua nên chú ý những thông tin gì?
Tình trạng pháp lý của xe
Xe có đang trong tình trạng thế chấp hay không là vấn đề người mua ô tô cũ cần quan tâm, trước khi kiểm tra máy móc. Có thể tra cứu thông tin này trên website của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo, thuộc Bộ Tư pháp.

Việc mua xe cũ giúp người dùng tiết kiệm chi phí và có cơ hội trải nghiệm xe ở phân khúc cao hơn so với mua xe mới, nhưng cũng có một số rủi ro (Ảnh minh hoạ: Nhật Minh).
Xe có thuộc diện cầm cố hoặc tranh chấp tài sản hay không cũng là thông tin cần tìm hiểu. Bên bán thường sẽ không tiết lộ thông tin này; tuy nhiên, việc đặt câu hỏi về lý lịch của chiếc xe cũng như quá trình sử dụng vẫn có ích, như việc xe mua vào thời điểm nào, có lịch sử đâm đụng hay ngập nước hay không, vì sao bán xe... Đôi khi các câu trả lời không khớp hoặc thông tin không khớp với giấy tờ có thể giúp bạn tránh được những chiếc xe có lý lịch không "sạch".
Độ "zin", độ cũ của xe
Giờ đây, nhiều bên bán xe, đặc biệt là các đại lý, nắm bắt tâm lý thích sự chân thật, nên không tút tát xe quá nhiều khi rao bán, để tạo cảm giác xe nguyên bản. Dù không có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm về kỹ thuật ô tô, bạn vẫn có thể kiểm tra một số chi tiết để biết tình trạng chất lượng xe.
Trước tiên, thay vì tin vào chỉ số công-tơ-mét, bạn hãy xem phần tay nắm cửa bên ghế lái. Chi tiết này nếu mòn nhiều chứng tỏ chiếc xe được sử dụng với tần suất cao.
Kế đến là lốp xe. Thông tin về ngày sản xuất có trên thành lốp, thường thể hiện ở dãy 4 số cuối; trong đó, 2 số đầu là tuần sản xuất và 2 số cuối là năm sản xuất.

Chiếc lốp trong ảnh được sản xuất vào tuần thứ 35 của năm 2007 (Ảnh minh hoạ: UTires).
Nếu cả 4 lốp cùng hãng và có cùng năm sản xuất với xe, hoặc sớm hơn một chút, thì có thể đó là lốp nguyên bản của xe. Nếu lệch nhau tức là xe có thể đã phải thay lốp.
Theo các nhà sản xuất lốp và các hãng xe, thông thường một chiếc lốp ô tô có tuổi thọ 3-5 năm hoặc đã lăn bánh 50.000-80.000km. Do đó, nếu bạn mua xe đã qua sử dụng dưới 5 năm mà đã thay lốp thì hãy thận trọng với xe bị đâm đụng.
Lốp xe bị mờ thông số này cũng là một điều nghi vấn, vì có thể bên bán muốn che giấu thông tin để cố tình đánh lừa người mua.
Thứ ba là thông tin được in ở góc kính xe. Dòng trên cùng là logo hoặc thương hiệu xe (có hãng không ghi), kế đến là nhà sản xuất kính, rồi tới các thông số về chủng loại, chất lượng của kính, và cuối cùng là thời gian sản xuất.
Theo đó, năm sản xuất thường được ghi bằng hai chữ số, kèm những dấu chấm ở trước và sau thể hiện tháng sản xuất trong năm đó. Mỗi hãng có thể có những cách ký hiệu khác nhau, nhưng đều sẽ thể hiện năm sản xuất kính.
Như trong hình minh hoạ bên dưới, thương hiệu xe là Range Rover, nhà sản xuất kính là Saint-Gobain Sekurit, và thời gian sản xuất là năm 2015.

Những ký hiệu hoặc con số in trên kính ô tô cung cấp một số thông tin hữu ích, như thời gian sản xuất, chủng loại, chất lượng... (Ảnh: GlassFixit).
Giống như với lốp, kính xe có thể không cùng năm sản xuất với xe mà được sản xuất trước một vài năm, quan trọng là phải có sự thống nhất thông tin giữa các kính. Nếu một bên kính có năm sản xuất và nhà sản xuất khác các kính còn lại thì hãy kiểm tra khả năng chiếc xe đã bị đâm đụng nghiêm trọng tới mức vỡ kính, phải thay mới.
Bên bán có thể giải thích bằng các tình huống có tác động vật lý khác, như xe bị phá hoại, đá văng vỡ kính... nhưng thông tin này trước hết giúp bạn "cảnh giác" để kiểm tra xe kỹ hơn.
Sau khi đã tự mình kiểm tra và cảm nhận xe thấy ưng ý mới đến công đoạn nhờ bên thứ ba thì sẽ đỡ tốn thời gian và tiền bạc. Bạn nên tìm một văn phòng công chứng đứng ra làm thủ tục mua bán để đảm bảo vấn đề pháp lý. Trong khi đó, việc kiểm tra sâu máy móc, khung gầm... nên được thực hiện bởi các gara và thợ chuyên nghiệp.