Vượt đèn đỏ lao vào ngã tư, thanh niên đi xe máy đâm ngã người đi đường

Nhật Minh

(Dân trí) - Sự việc diễn ra vào tối 11/6 tại ngã tư đường Trần Quang Diệu giao với đường Trường Sa, quận 3, TPHCM.

Theo đó, mặc dù đang đèn đỏ và tầm nhìn bị chiếc xe bán tải che khuất, nhưng thanh niên đi xe máy vẫn lao nhanh qua ngã tư, đâm thẳng vào đầu xe máy của người đang sang đường theo đúng đèn tín hiệu giao thông. 

Vượt đèn đỏ lao vào ngã tư, thanh niên đi xe máy đâm ngã người đi đường (Video: OFFB).

Cú va chạm ở tốc độ cao đã khiến cả hai ngã ra đường, nhưng có vẻ như không ai bị chấn thương nghiêm trọng.

"Thật đáng sợ! Sang đường đúng đèn giao thông mà cũng bị đâm ngã nguy hiểm như vậy. Trường hợp vượt đèn đỏ gây tai nạn như thế này, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, có lẽ cần bị phạt tù hoặc lao động công ích vài tháng cho nhớ", tài khoản Quốc Hùng nêu ý kiến sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Đường đông chứ có phải vắng đâu mà vượt đèn đỏ phóng như bay vậy? Hay là đầu óc không tỉnh táo, có sử dụng chất kích thích hoặc rượu bia?", tài khoản Minh Tuấn đặt câu hỏi.

"Lực lượng cảnh sát giao thông không thể túc trực ở mọi ngã tư để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm kiểu này, nên theo tôi, cần tăng cường biện pháp phạt nguội, tạm giữ xe đối với những vi phạm có mức độ nguy hiểm cao cho cộng đồng như vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng...", tài khoản Hoàng Lam bình luận. 

Đối với hành vi vượt đèn đỏ, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. 

Bên cạnh đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Điều khiển xe vượt đèn đỏ gây tai nạn giao thông có bị truy cứu hình sự hay không?

Theo quy định pháp luật, người có hành vi vượt đèn đỏ và gây tai nạn giao thông mà gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tù cao nhất là từ 7 năm đến 15 năm.

Cụ thể, tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.