Triển lãm ôtô Trung Quốc - Cá chép hoá rồng

(Dân trí) - Tại sao các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đổ về Bắc Kinh?

Chỉ vài năm không tới Trung Quốc, khi trở lại, bạn sẽ có cảm giác ngỡ ngàng trước sự thay đổi, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh.

 

Tôi đến Trung Quốc lần đầu chỉ một thời gian ngắn sau khi GM mở nhà máy liên doanh đầu tiên của tập đoàn cách đây hơn 10 năm. Khi đó, Bắc Kinh còn là một thành phố có vô số những con hẻm nhỏ (hutong) chạy ngang dọc len lỏi giữa các khu dân cư. Ngay nay, hầu hết các khu dân cư kiểu truyền thống đã mất, số ít ỏi còn lại nằm khiêm nhường giữa những toà nhà chọc trời hiện đại.

 

Những con phố cũ không thể gánh mật độ giao thông như hiện nay. Cũng không hẳn là những đại lộ và đường cao tốc mới đảm nhiệm vai trò tốt hơn. Bạn vẫn có thể bắt gặp những chiếc xe kéo ở các khu đông khách du lịch. Xe hai bánh cũng hiện diện khắp nơi. Nhưng ngày nay, ôtô mới là phương tiện đi lại chủ yếu, và mật độ giao thông dày đến mức chính quyền thành phố phải áp dụng việc quay số để cấp phép đăng ký xe mới, nhằm hạn chế lượng xe tham gia giao thông.

 

Triển lãm ôtô Trung Quốc - Cá chép hoá rồng
Triển lãm ôtô Bắc Kinh đã trở thành một sự kiện không thể bỏ qua của các hãng xe lớn, các tổ chức báo chí, thông tấn...

 

Ở Trung Quốc thì nơi nào tình hình giao thông cũng vậy. Cách đây vài năm, tôi tới Tây An. Những vạt cỏ lớn ở thành phố này đang bị san đất để mở đường rộng hơn.

 

Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới, và theo nhiều dự đoán, nước này sẽ tiêu thụ khoảng 30 triệu xe/năm vào năm 2020 - cao hơn mức kỷ lục của thị trường Mỹ khoảng 80%.

 

Khi GM mở nhà máy đầu tiên của tập đoàn tại Trung Quốc, đang có hàng trăm nhà sản xuất ô tô nội địa nhỏ phục vụ nhu cầu của một thị trường bị coi là không quan trọng trên thế giới. Triển lãm ôtô Trung Quốc - được tổ chức luân phiên hàng năm giữa hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải - khi đó cũng bị coi là không quan trọng. Đó là chuyện cũ. Giờ đây, triển lãm này đã trở thành một sự kiện không thể không tham gia của các nhà sản xuất ô tô quốc tế. Vị thế của triển lãm tăng lên nhanh chóng, sánh ngang các sự kiện ở Detroit, Geneva và Frankfurt. Trên thực tế, triển lãm này đã tiếm ngôi Tokyo Motor Show ở châu Á.

 

Triển lãm ôtô Tokyo năm ngoái ở Nhật Bản đã gần như bị bỏ quên. Chỉ có một số ít các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tham gia và thậm chí ngay cả các công ty Nhật Bản còn có vẻ không mấy mặn mà, để dành những gì mới nhất để giới thiệu ở nước ngoài. Ví như mẫu xe Accord Coupe Concept, một sản phẩm mới quan trọng của Honda, đã trình làng tại Detroit hồi tháng 1 năm nay, chứ không phải là ở “sân nhà” Tokyo. Tương tự, xe Altima của Nissan đã ra mắt ở New York, còn “đàn em” Sentra vừa ra mắt ở Trung Quốc trong tuần này.

 

Thú vị là ngay cả Bentley cũng đã chọn Triển lãm ôtô Bắc Kinh 2012 làm nơi giới thiệu phiên bản đặc biệt Diamond Jubilee của xe Mulsanne để kỷ niệm 60 trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

 

Triển lãm ôtô Trung Quốc - Cá chép hoá rồng
Thị trường ôtô Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu (Ảnh: AP)

 

Vào thời điểm GM mở nhà máy của tập đoàn ở Thượng Hải, Trung Quốc đang rất thiếu dự trữ ngoại hối. Giờ cũng không còn nữa. Đất nước này đang thể hiện rõ sự thịnh vượng. Trung tâm thương mại cao tầng nằm kế khách sạn tôi ở chỉ toàn các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới, như Dunhill và Cartier.

 

Mercedes-Benz vừa mở cửa hàng đầu tiên không chỉ ở Trung Quốc mà còn là đầu tiên trên thế giới chuyên bán xe AMG. Mỹ từng là thị trường ô tô lớn nhất thế giới của các hãng xe sang trong nhiều thập kỷ, nhưng đang bị Trung Quốc soán ngôi.

 

Thị trường Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh số tăng trưởng hai con số, giữa bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Cũng có một số dấu hiệu của sự chững lại, nhưng vẫn ở mức mơ ước của thị trường châu Âu, khi doanh số vẫn tăng hơn 5%/năm. Nhưng liệu có khả năng nhu cầu tiêu thụ ôtô của thị trường Trung Quốc co lại?

 

Một tín hiệu xấu: Mercedes-Benz gần đây đã giảm giá tới 25% đối với một số xe thuộc dòng S-Class để duy trì doanh số. J.D. Power mới đây đã cảnh báo rằng, giữa lúc các hãng đang ồ ạt giới thiệu sản phẩm mới tại Triển lãm ôtô Bắc Kinh 2012, thì ngành ô tô đang chứng kiến sự sụt giảm lợi nhuận của các đại lý.

 

Điều này phần nào phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Các nhà sản xuất như Nissan, GM và Mercedes đều đã chuyển hướng tập trung đầu tư sang Trung Quốc lớn chưa từng có. Ford tuần trước đã công bố kế hoạch đầu tư 760 triệu USD để tăng gấp đôi công suất lắp ráp xe ở Trung Quốc.
 
Triển lãm ôtô Trung Quốc - Cá chép hoá rồng

Jeep giới thiệu xe Wrangler phiên bản Rồng (Ảnh: Getty Images)

 

Thật khó hình dung rằng sẽ không có một điểm chững ở đâu đó trên thị trường ôtô Trung Quốc. Nhưng cũng khó tin rằng thị trường này sẽ không đạt mốc tiêu thụ 30 triệu xe và tiếp tục tăng trưởng. Mãi cho tới gần đây, sự phát triển bùng nổ của kinh tế Trung Quốc chủ yếu tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố lớn khác nằm dọc bờ Thái Bình Dương. Chính phủ Trung Quốc đã thúc ép việc phát triển kinh tế của các vùng sâu trong nội địa, nơi có khoảng hơn 200 thành phố có dân số từ 1 triệu dân trở lên. Giống như Tây An, các thành phố đang nhanh chóng chuyển mình để chuẩn bị cho thời đại “bốn bánh”.

 

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Triển lãm ôtô Trung Quốc có một sức hút lớn.
 
Paul A. Eisenstein
 

* Paul A. Eisenstein là chủ báo The Detroit Bureau chuyên về thông tin ôtô ở Mỹ. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và xuất bản thông tin liên quan đến ngành công nghiệp ôtô nên có kiến thức khá sâu rộng về lĩnh vực này.

 

Nhật Minh

Lược dịch