Ô tô tải kiên quyết bám làn trái, xe cứu thương phải tự tìm đường thoát

Nhật Minh

(Dân trí) - Khi lái xe trên đường cao tốc, nhiều tài xế luôn đi ở làn ngoài cùng bên trái vì nghĩ như vậy sẽ nhàn hơn, bất chấp việc cản trở giao thông và gây ức chế cho tài xế các xe phía sau muốn vượt lên.

Tình huống diễn ra vào sáng 26/6 trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) là một ví dụ.

Theo đó, chiếc xe cứu thương nháy đèn vượt lên ở làn bên trái xe có camera hành trình, nhưng sau đó liền gặp ô tô tải kiên quyết chạy bám làn trái, không nhường đường. Cuối cùng, xe cứu thương phải lách sang làn giữa để vượt.

Ô tô tải kiên quyết bám làn trái, xe cứu thương phải tự tìm đường thoát (Video: OFFB).

"Cũng do xe cứu thương không bật còi hú, còn tài xế xe tải chắc đang mải dùng điện thoại nên không chú ý quan sát gương chiếu hậu để nhường đường", tài khoản Facebook có tên Đoàn Linh bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.

"Nếu không phải là cố tình không nhường đường mà chỉ là vô tình thì việc lái xe chạy với tốc độ hơn 80km/h trên đường cao tốc thiếu tập trung, không thường xuyên liếc gương chiếu hậu như vậy quá nguy hiểm, lỡ phía trước có xe phanh gấp thì chắc dồn toa luôn", tài khoản Minh Hương nhận xét. 

Theo quy định, tài xế điều khiển ô tô di chuyển chậm ở làn ngoài cùng bên trái sẽ bị phạt trong hai trường hợp: không nhường đường cho xe phía sau xin vượt, và chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).

Cụ thể, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển ô tô không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn.

Trong khi đó, với hành vi điều khiển ô tô chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy chỉ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng. Mức phạt này được cho quá thấp, không đủ để làm thay đổi thói quen tham gia giao thông của nhiều người.

Quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe

Theo quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

(1) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

(2) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

(3) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

(4) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

(5) Đoàn xe tang.

Các xe (1), (2), (3) và (4) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.