Giới hạn tốc độ theo làn gây khó cho ô tô muốn vượt xe chạy bám làn trái?

Nhật Minh
Hiểu luật thật dễ

(Dân trí) - Việc nhiều ô tô chạy chậm nhưng bám làn bên trái khiến tài xế xe phía sau buộc phải vượt ở làn bên cạnh, dễ vi phạm quy định giới hạn tốc độ.

Việc nhiều đường cao tốc tại Việt Nam chỉ có quy định giới hạn tốc độ tối đa theo làn, mà không có giới hạn tốc độ tối thiểu, dẫn tới việc không ít người cho ô tô chạy bám làn trái - làn có tốc độ cao nhất, nhưng lại chạy chậm hơn rất nhiều so với xe ở làn bên cạnh có giới hạn tốc độ thấp hơn.

Thực tế đó khiến những xe muốn vượt buộc phải sử dụng làn có tốc độ thấp hơn, dễ vướng lỗi quá tốc độ cho phép.

Giới hạn tốc độ theo làn gây khó cho ô tô muốn vượt xe chạy bám làn trái? - 1

Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định làn ngoài cùng bên trái chỉ dành cho các phương tiện muốn vượt, để tránh tình trạng xe chạy chậm nhưng bám làn bên trái, gây cản trở giao thông (Ảnh minh họa: Nhật Minh).

Ngay cả khi có quy định giới hạn tốc độ tối thiểu cho mỗi làn, như trên đường cao tốc Đồ Sơn - Hải Phòng, nếu xe chạy bám làn trái duy trì tốc độ tối thiểu 80km/h thì không phạm luật, nhưng vẫn có thể gây cản trở cho các phương tiện có nhu cầu chạy nhanh hơn (100-120km/h) hoặc các xe muốn vượt.

Nếu xe chạy bám làn bên trái với tốc độ 80km/h không chịu nhường đường thì tài xế xe phía sau có xu hướng chọn vượt lên ở làn bên phải, nơi có giới hạn tốc độ tối thiểu 60km/h và tối đa 100km/h. Trong quá trình vượt, xe phía sau rất dễ vượt quá giới hạn tốc độ tối đa của làn này và bị phạt.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với lỗi chạy quá tốc độ ở ô tô như sau: 

- Phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h.

- Phạt tiền 4.000.000-6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 đến 3 tháng;

- Phạt tiền 6.000.000-8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h đến 35km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 đến 4 tháng.

- Phạt tiền 10.000.000-12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 đến 4 tháng.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành của Việt Nam, tài xế điều khiển ô tô di chuyển chậm ở làn ngoài cùng bên trái sẽ bị phạt trong hai trường hợp: không nhường đường cho xe phía sau xin vượt, và chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).

Cụ thể, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền 2-3 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi điều khiển ô tô không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn.

Với hành vi điều khiển ô tô chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, mức phạt hiện nay là 400.000-600.000 đồng.

Mức phạt này được cho quá thấp, cộng với việc cơ quan chức năng chưa chú ý xử lý hành vi không nhường đường cho xe phía sau xin vượt trên đường cao tốc, khó giúp thay đổi thói quen tham gia giao thông của nhiều người.