Lý do ô tô Đức thống lĩnh thị trường Trung Quốc

(Dân trí) - Hiện có hơn chục thương hiệu xe sang đang tranh giành thị phần tại Trung Quốc, nhưng vị trí thống lĩnh vẫn chỉ có ba - Audi, BMW và Mercedes-Benz. Và tương lai có thể vẫn vậy. Tại sao?

Lý do ô tô Đức thống lĩnh thị trường Trung Quốc - 1
 
Audi, BMW và Mercedes-Benz hiện kiểm soát gần 76% doanh số ô tô hạng sang của thị trường Trung Quốc, và tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng trong vài năm tới.

 

Lý do? Các thương hiệu ô tô Đức có hai lợi thế lớn: giá “mềm” hơn và sản phẩm được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc.

 

Thứ nhất, các nhà sản xuất ô tô Đức kéo dài trục cơ sở các mẫu xe nhằm thoả mãn nhu cầu những khách hàng thượng lưu Trung Quốc  - đa số có tài xế riêng và thích ngồi trên hàng ghế sau ô tô rộng rãi.

 

Lý do ô tô Đức thống lĩnh thị trường Trung Quốc - 2

 

Audi có hai mẫu xe trục cơ sở dài tại Trung Quốc là A4L và A6L (chữ "L" là viết tắt của Long-wheelbase). BMW cũng đã ra mắt phiên bản trục cơ sở dài của dòng 5-Series, còn Mercedes-Benz hiện bán một mẫu E-Class sedan trục cơ sở dài.

 

Các mẫu xe này được phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc, và đóng góp đáng kể vào doanh số của các hãng tại đây.

 

Ví dụ, Audi hiện bán 11 mẫu xe tại Trung Quốc, nhưng xe A4L và A6L chiếm tới 60% tổng doanh số.

 

Thứ hai, xe sang của Đức có giá bán rất cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vì các hãng sản xuất xe ngay tại Trung Quốc. Các xe Audi A4L, A6L và Q5; BMW 3-Series và 5-Series; cùng với Mercedes C-Class và E-Class đều được lắp ráp tại Trung Quốc.

 

Ngoại trừ xe Audi Q5 và Mercedes E-Class, 5 mẫu còn lại hiện có tên trong top 10 xe sang bán chạy nhất thị trường Trung Quốc.

 

Ngược lại, các thương hiệu xe sang khác như Lexus, Infiniti, Jaguar và Land Rover đều nhập xe sản xuất ở nước ngoài vào tiêu thụ tại Trung Quốc nên bất lợi về giá.

 

Để có thể hình dung rõ hơn về các loại thuế cao đánh vào ô tô nhập khẩu, hãy so sánh giá xe Mercedes C300 lắp ráp nội địa Trung Quốc với xe nhập khẩu.

 

Xe lắp rại Trung Quốc có giá bán lẻ từ 478.000 nhân dân tệ (71.700 USD), trong khi xe nhập khẩu giá 548.000 nhân dân tệ.

 

Các hãng xe sang hiện nhập khẩu xe vào tiêu thụ tại Trung Quốc phải chịu bất lợi lớn về giá trong cuộc cạnh tranh với xe sang thương hiệu nước ngoài nhưng lắp ráp nội địa. Thêm vào đó, xe sang nhập khẩu cũng có khả năng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc kém hơn xe lắp ráp nội địa, nên khó đẩy mạnh doanh số tại thị trường này.
 
Lý do ô tô Đức thống lĩnh thị trường Trung Quốc - 3
Mẫu Mercedes E300L được phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc

 

Để có chỗ đứng trên thị trường, một số thương hiệu xe sang không phải của Đức cũng đã bắt đầu có chính sách lắp ráp xe ngay tại Trung Quốc và cũng kéo dài trục cơ sở, như Cadillac SLS (phiên bản trục cơ sở dài của mẫu Cadillac STS) và Volvo S80L.

 

Tuy nhiên, các mẫu xe này hiện cũng không bán chạy, do thương hiệu chưa được chấp nhận rộng rãi và mạng lưới phân phối chưa rộng khắp. Cadillac đang nỗ lực khắc phục vấn đề này bằng việc mở rộng hệ thống phân phối, còn Volvo, với chủ sở hữu mới là Zhejiang Geely Holding Group Co., dự kiến xây hai nhà máy lắp ráp xe tại Trung Quốc.

 

Nhưng các hãng xe Đức cũng không dậm chân tại chỗ. Trong vòng hai năm tới, Audi, BMW và Mercedes-Benz dự kiến ra mắt thêm một số mẫu xe trục cơ sở dài tại Trung Quốc.

 

Điều đó có nghĩa là khoảng cách giữa các thương hiệu Đức với các đổi thủ cạnh tranh sẽ vẫn duy trì, thậm chí tăng thêm.

 

Nhật Minh

Theo Automotive News