Ô tô Trung Quốc “sống” tốt
(Dân trí) - Dù thường bị chỉ trích là kém chất lượng và nhái thiết kế, nhưng ô tô Trung Quốc vẫn tìm được cơ hội ở các thị trường mới nổi.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội ở các thị trường nước ngoài, từ Ai Cập đến Ecuador, và thành công một cách bất ngờ.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng tới 50% lên 849.500 xe trong năm 2011, và Bộ trưởng Bộ thông tin và công nghiệp Trung Quốc Miao Wei kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng lên mức 1 triệu xe vào năm nay.
Hơn 190 nước và vùng lãnh thổ đang là điểm đến của các doanh nghiệp xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tập trung vào các thị trường mới nổi ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ, nơi nhu cầu tiêu thụ xe nhỏ, giá rẻ ngày một tăng.
“Dù thường bị chỉ trích là kém chất lượng và nhái thiết kế, nhưng ô tô Trung Quốc vẫn tìm được cơ hội ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc,” ông Marvin Zhu, một nhà phân tích của công ty LMC Automotive ở Thượng Hải, cho biết.
Chẳng có gì bí ẩn về động lực tăng trưởng. Các chuyên gia cho rằng, sự tăng trưởng chậm lại của thị trường ô tô Trung Quốc, từ 2 con số trước đây xuống chỉ còn 2,5% vào năm ngoái, là lý do thuyết phục để các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài nhằm duy trì hoạt động của các nhà máy lắp ráp.
Trong một tài liệu nghiên cứu gần đây, chuyên gia phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley cho biết, các nhà máy ô tô của Trung Quốc chỉ hoạt động với 81% công suất trong năm ngoái, so với mức 88% hồi năm 2010, và kết luận rằng xu hướng này có thể tiếp diễn.
“Giai đoạn tăng trưởng chóng mặt của thị trường ô tô Trung Quốc sắp qua, và chúng tôi thấy xuất khẩu là một giải pháp khả thi để các nhà máy có thể hoạt động hết công suất. Chúng tôi cần vượt ra khỏi thị trường Trung Quốc để tồn tại,” ông Xing Wenlin, phó chủ tịch phụ trách thị trường nước ngoài của Great Wall Motor, cho biết.
Dẫn đầu xu hướng xuất khẩu là các doanh nghiệp ô tô nội địa Trung Quốc đang bị khối liên doanh nước ngoài làm lu mờ trên chính “sân nhà”. Các liên doanh hiện chiếm tới 70% tiêu thụ ô tô du lịch tại Trung Quốc.
Dẫn đầu là Chery, với xuất khẩu tăng 73% lên 160.200 xe trong năm 2011, chiếm 1/4 tổng doanh số của công ty, và mục tiêu xuất khẩu 200.000 xe trong năm nay. Chery hiện xuất khẩu ô tô sang hơn 80 nước và vùng lãnh thổ, có 17 nhà máy ở nước ngoài.
Với Great Wall, doanh nghiệp xuất khẩu ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc, xuất khẩu đã tăng 65% trong năm 2011 lên 83.000 xe, chiếm 17% doanh số của tập đoàn trong năm, và chủ yếu xuất khẩu sang Nga, Nam Phi, Australia và Chile. Great Wall đặt mục tiêu tăng xuất khẩu lên 100.000 xe trong năm nay và 300.000 xe vào năm 2015. Tập đoàn hiện có 12 nhà máy ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp ô tô nội địa khác, như JAC, sản lượng xuất khẩu đã tăng hơn 3 lần lên 66.300 xe trong năm 2011, và Zhejiang Geely có sản lượng xuất khẩu tăng gần gấp đôi lên 39.600 xe.
Một số liên doanh lớn giữa một tập đoàn nước ngoài với doanh nghiệp nội địa trung Quốc cũng bắt dầu quan tâm đến hoạt động xuất khẩu.
“Các nhà sản xuất ô tô quốc tế giờ đây cũng quan tâm hơn tới các thị trường mới nổi và tận dụng cơ sở sẵn có ở Trung Quốc, như vậy rẻ hơn so với việc xuất xe từ châu Âu hay Bắc Mỹ,” chuyên gia phân tích cao cấp Namrita Chow của công ty nghiên cứu thị trường ô tô IHS Automotive, cho biết.
Ví dụ, GM Trung Quốc đã xuất khẩu 47.946 xe trong năm ngoái, tăng hơn 3 lần so với mức 14.619 xe của năm 2010, thông qua các liên doanh GM Thượng Hải, SAIC-GM-Wuling và FAW-GM.
Năm ngoái, liên doanh GM Thượng Hải đã xuất khẩu hơn 31.000 xe Chevrolet New Sail sang Chile, Peru, Bolivia, Algeria, Libya, Iraq, Angola và Tahiti, và xuất khẩu các bộ linh kiện, phụ tùng để ráp xe CKD sang Ecuador.
Liên doanh SAIC-GM-Wuling đã xuất khẩu hơn 14.000 xe N300 trong năm 2011 sang Colombia, Ecuador, Chile, Ai Cập, Iran và Angola, với dự kiến xuất khẩu đạt mức 20.000 xe trong năm nay. Ông Kevin Wale, chủ tịch kiêm giám đốc của GM Trung Quốc, cho biết, tập đoàn đã bắt đầu xuất khẩu các bộ linh kiện, phụ tùng CKD sang Ai Cập, Ấn Độ và Colombia, đồng thời xem xét khả năng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Liên doanh FAW-GM đang xuất khẩu xe sang các nước và vùng lãnh thổ như Bengal, Kazakhstan, Kenya, Sri Lanka và Uruguay.
Liên doanh Daimler-BAIC từ tháng 12 năm ngoái đã bắt đầu xuất khẩu xe Mercedes E-Class phiên bản trục cơ sở kéo dài sang Nam Mỹ. Liên doanh của BMW với nhà sản xuất ô tô Brilliance của Trung Quốc đã xuất khẩu xe 5-Series sang các nước Trung Đông.
Theo IHS Automotive, liên doanh giữa Dongfeng và PSA Peugeot Citroen đã bắt đầu xuất khẩu xe 408 sang Ai Cập vào tháng 6 năm ngoái.
Hyundai, Nissan, Mazda, Suzuki và Volkswagen nhiều khả năng cũng gia nhập đội ngũ doanh nghiệp xuất khẩu xe từ Trung Quốc.
Honda đã bắt đầu xuất xe Fit lắp ráp tại Trung Quốc sang Canada, một phần vì đồng yên lên giá khiến cho việc xuất khẩu xe lắp ráp tại Nhật Bản khó có lợi nhuận. Các đồng hương của Honda có thể cũng sẽ làm tương tự vì lý do này.
Dù vậy, việc xuất khẩu khẩu xe lắp ráp tại Trung Quốc không hề dễ đối với cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc lẫn các tập đoàn quốc tế.
Sự cạnh tranh đang ngày một khốc liệt và Trung Quốc giờ đây không còn là nước có chi phí sản xuất thấp như trước đây. Tiền lương và các chi phí sản xuất khác tăng lên, cùng với sự lên giá của đồng Nhân dân tệ là những rào cản mới, chưa kể những hàng rào thương mại đang “mọc” lên ở thị trường nước ngoài.
Ông Zhu cho biết, Nga là đích đến lớn nhất của ô tô sản xuất tại Trung Quốc hồi năm 2007, với sản lượng 57.000 xe từ Chery, BYD, FAW, Geely và một số hãng khác. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều chính sách bảo hộ đã được triển khai, trong đó có việc tăng thuế và siết chặt các tiêu chuẩn. Kết quả là lượng xe Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đã giảm xuống còn 7.000 chiếc vào năm 2009.
Ông cũng cho biết, Brazil - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc năm 2011 - đã tăng thuế nhập khẩu vào tháng 9/2011. “Động thái nhằm bảo vệ ngành ô tô trong nước này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Chery, Chang’an và Jianghuai, các doanh nghiệp chỉ vừa mới bắt đầu phát triển hoạt động kinh doanh ở Brazil,” ông nói.
Tờ China Daily cho biết, việc tăng 30% của các loại thuế lên mức tối đa 55% đã khiến Chery phải giảm một nửa dự báo tiêu thụ xe của hãng tại Brazil năm 2012 xuống còn 30.000 xe, dưới cả mức 33.000 xe của năm 2011. Tuy nhiên, các biện pháp đối phó đang được triển khai: tháng 7 năm ngoái, Chery đã khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 400 triệu USD tại Brazil, với công suất ban đầu là 50.000 xe/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2013.
Nhật Minh
Theo Ward’s Auto