Lý do cơ quan an toàn hàng đầu Mỹ không thử nghiệm xe ở tốc độ cao hơn

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Trái lại với suy nghĩ của nhiều người, việc thử nghiệm va chạm ở tốc độ cao có thể không giúp các nhà sản xuất ô tô cho ra đời những chiếc xe an toàn hơn.

Thử nghiệm va chạm đã đóng góp rất lớn vào việc nâng cao độ an toàn của ô tô, nhưng xem xét kỹ sẽ thấy Viện bảo hiểm cho an toàn giao thông đường bộ Mỹ (IIHS) chỉ thử nghiệm va chạm ở tốc độ 40 dặm/h (xấp xỉ 65km/h).

Tại sao lại như vậy khi mà tại Mỹ, các mẫu xe đều được phép chạy tới 85 dặm/h (136,7km/h) trên đường?

Trong chia sẻ mới nhất của mình trên YouTube, IIHS đã cố gắng giải đáp băn khoăn đó.

Lý do cơ quan an toàn hàng đầu Mỹ không thử nghiệm xe ở tốc độ cao hơn - 1

Bài thử nghiệm va chạm phía trước của IIHS (Video: IIHS).

Theo đó, trước tiên là cơ quan này không hề chọn tốc độ quá thấp. Các thử nghiệm của họ thực ra có tốc độ lớn hơn mức 35 dặm/h (56,3km/h) của Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA).

Mặc dù tốc độ ảnh hưởng đáng kể đến mức độ nghiêm trọng của va chạm, nhưng việc thử nghiệm ở tốc độ cao hơn không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt hơn.

Theo ông Raul Arbelaez, phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu xe của IIHS, họ không chỉ cố gắng đảm bảo xe ô tô bảo vệ người ngồi bên trong an toàn khi xảy ra những va chạm tệ nhất, mà còn cố gắng khiến cho chúng trở nên an toàn hơn trong những vụ tai nạn thông thường.

Ông Arbelaez cho biết: "Tốc độ thử nghiệm của chúng tôi là mức trung bình của các vụ va chạm trong thế giới thực, dẫn tới những chấn thương nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi biết rằng có những vụ va chạm nghiêm trọng hơn, nhưng chúng tôi lấy mức trung bình".

Và việc lựa chọn tốc độ thử nghiệm va chạm phù hợp rất quan trọng, vì nó tác động lớn đến việc thiết kế xe. Việc thử nghiệm xe ở tốc độ 85 dặm (136,7km/h) thực sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến độ an toàn của chúng.

Ông Arbalaez cho biết, có những hậu quả không lường trước được đi kèm theo đó, bao gồm cả việc khiến cho xe trở nên kém an toàn trong các vụ va chạm có mức độ nghiêm trọng thấp hơn so với thử nghiệm.

"Xe sẽ được làm cứng hơn để chịu được tình huống va chạm có mức độ nghiêm trọng cao hơn", ông nói.

Dù chỉ tăng tốc độ thử nghiệm thêm 10 dặm/h (tương đương 16km/h) cũng có thể có tác động lớn đến thiết kế xe. Mặc dù tốc độ 50 dặm/h (80,4km/h) chỉ nhanh hơn 25% so với tốc độ 40 dặm/h (64,3km/h), nhưng lực va chạm thực sự tăng 56%.

Ông Arbalaez nói rằng việc thiết kế ô tô cho phù hợp với tốc độ thử nghiệm va chạm tăng lên dù rất nhỏ sẽ dẫn tới thay đổi lớn ở chiếc xe.