Nổi bật tuần qua:
Hàng loạt xe tại Việt Nam giảm giá, ô tô cả cũ lẫn mới tại Mỹ đội giá
(Dân trí) - Nếu như tại Việt Nam, nhiều mẫu xe mới đang giảm giá mạnh, xe cũ lâm vào khủng hoảng do dịch bệnh, thì tình hình diễn biến ngược lại trên thị trường ô tô Mỹ.
Nhiều mẫu xe tại Việt Nam giảm giá sâu
Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến một đợt giảm giá, ưu đãi đến từ cả nhà sản xuất và các đại lý. Đây được cho là việc dọn đường cho sự ra mắt của một loạt phiên bản nâng cấp hoặc thế hệ mới.
Nếu như trong các tuần trước đó đã có thông tin về việc giảm giá của các xe như Hyundai Kona, Hyundai Elantra, Kia Cerato, Mazda CX-5 và CX-8... thì sang tuần vừa qua, đến lượt các showroom phân phối xe Peugeot công bố mức giảm giá cả trăm triệu đồng cho hai mẫu 3008 và 5008, nhằm "dọn kho" đón phiên bản mới.
Cụ thể, 3008 phiên bản AT được giảm 30 triệu đồng , còn bản AL giảm 40 triệu đồng. "Đàn anh" 5008 được giảm 60 triệu đồng cho cả hai phiên bản. Ngoài ra, khách mua xe giai đoạn này còn được tặng bảo hiểm thân vỏ trị giá 15 triệu đồng.
Trong khi đó, mẫu MG ZS gây sốc với mức giảm giá xuống chỉ còn hơn 500 triệu đồng đối với phiên bản thấp nhất - Standard, vẫn là xe có giá bán hấp dẫn nhất phân khúc crossover cỡ B.
MG ZS đang được phân phối tại Việt Nam là phiên bản nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
BMW cũng gây sốc không kém khi giảm giá tới hơn 500 triệu đồng cho mẫu 740Li, cùng với mức giảm ít hơn cho các mẫu xe khác, như series 7, 730 M Sport hay 730 Luxury...
Việc thị trường xe mới có nhiều mẫu giảm giá đang làm tăng áp lực cạnh tranh, bóp nghẹt thị trường xe cũ.
Nghịch cảnh trên thị trường ô tô Mỹ: thiếu xe, giá tăng
Chưa bao giờ thị trường ô tô Mỹ rơi vào cảnh thiếu nguồn cung cả xe cũ lẫn xe mới như hiện nay. Lý do là sự ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu nguồn cung chip bán dẫn.
Trong năm vừa qua, giá xe cũ trung bình tại Mỹ đã tăng 30%, theo Black Book. Việc này đã dẫn tới những tình huống rất kỳ lạ, khi các mẫu xe cũ được nhiều người quan tâm có giá còn cao hơn cả khi mới.
Tất cả bắt đầu vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ buộc phải đóng cửa nhà máy trong 8 tuần để phòng chống dịch Covid-19.
Sau đó, các nhà máy đã khôi phục sản xuất sớm hơn dự kiến, trong khi các nhà sản xuất chip máy tính đã chuyển sang sản xuất chất bán dẫn cho điện thoại, laptop và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Việc này dẫn tới tình trạng thiếu chip bán dẫn dành cho ô tô, khiến các công ty ô tô lại phải tạm đóng cửa nhà máy, các đại lý thiếu xe mới nghiêm trọng.
Việc thiếu nguồn cung xe mới và tăng giá đã khiến nhiều người chuyển sang tìm mua xe cũ, nên nhu cầu trên thị trường xe cũ cũng cao hơn.
Hiện tại, người tiêu dùng tại Mỹ cần đổi xe không có nhiều lựa chọn, chưa kể phải chấp nhận tình trạng mua chênh giá.
Thời của xe điện đang đến
Tuần qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và thế giới đón nhận hàng loạt "tin nóng" liên quan tới xe chạy điện.
Đầu tiên là thông tin hãng xe điện Tesla không những đã lọt vào Top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới do công ty Kantar tổng hợp, mà còn vượt Toyota để trở thành thương hiệu ô tô giá trị nhất thế giới.
Kế đến là thông tin Audi chính thức thông báo sẽ dừng sản xuất xe chạy xăng, dầu từ sau năm 2026 để chuyên tâm làm xe chạy điện.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho rằng, xe điện là cơ hội để Vingroup và Việt Nam thay đổi tầm vóc của mình. Ông Vượng cho biết từ nay đến năm 2026, Vingroup sẽ bán hàng trăm nghìn xe điện vào thị trường Mỹ.
Chủ tịch Vingroup cũng tự tin khẳng định rằng xe điện VinFast sẽ không thua kém Tesla.