(Dân trí) - Vì theo đuổi đam mê công việc tạo ra những mô hình bé bằng bàn tay, anh Nguyễn Phúc Đức từng bị gia đình nghi ngờ về giới tính.
“Con đường thành công không trải đầy hoa hồng”
“Con đường thành công không trải đầy hoa hồng”, câu danh ngôn này quả thực đúng với câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Phúc Đức, 31 tuổi, hiện là chủ một cửa hàng mô hình nhà gỗ ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc bắt đầu tạo dựng sự nghiệp, anh Phúc Đức đã thử qua nhiều ngành nghề nhưng đều không thành.
Trong lúc trăn trở, không biết phải làm gì để vừa tạo ra được sự khác biệt mà lại vừa đúng với đam mê và sở thích của mình. Trong đầu anh Đức chợt lóe lên hình ảnh về chiếc mô hình nhỏ, món quà của ba tặng anh năm anh học lớp 6.
Nghĩ là làm, chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết bắt đầu ngay với ý tưởng của mình bằng những vật liệu có sẵn đơn giản nhất như những tấm bìa carton, những miếng xốp, miếng nhựa… Anh đã tỉ mẩn cắt từng vật liệu rồi tạo hình và dán chúng lại với nhau. Sau khi hoàn thành, anh đã chia sẻ những hình ảnh của thành phẩm lên Facebook. Lúc đó đã có nhiều người chú ý và hỏi thăm mô hình của anh.
Đọc những comment trên Facebook, anh Đức như nhìn thấy được ánh sáng trên con đường trước mặt, anh lại tiếp tục làm thêm những mô hình mới công phu hơn với chất liệu gỗ.
Theo lời kể của anh Đức, quá trình khởi nghiệp của anh quả thực cực kỳ khó khăn. Lý do lớn nhất là vì anh không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Xuất phát điểm không phải là từ ngành thiết kế, kiến trúc hay nghề mộc, động lực duy nhất thúc đẩy và dẫn bước anh chỉ có đam mê và sở thích.
Anh chia sẻ vui: “Đức nhớ lúc mua máy cắt gỗ về cắt, hàng xóm hay than phiền ồn ào lắm! Rồi lúc cắt thì bụi nó bay tùm lum nên gia đình cũng hay hỏi là sao mình lại đem rác về nhà. Lúc Đức làm cái này ba mẹ với nhiều người quen còn nói là tại sao không kiếm việc gì đó để làm nghiêm túc đi mà tối ngày chơi ba cái đồ con nít. Rồi còn bị nghi ngờ về giới tính nữa, bởi mọi người nghĩ cái này thì chỉ có con gái chơi thôi chớ con trai ai đâu mà chơi.”
Đứng trước những nghi ngờ này, anh Đức không phản bác, không thuyết phục nhiều, cũng không giải thích gì, anh chỉ nhìn vào đam mê trong tim, nhìn vào mô hình nhỏ trên bàn và cố gắng cặm cụi làm.
Hiện tại, gia đình không những đã hiểu cho anh mà còn chung tay phụ giúp anh trong việc thực hiện những mô hình tí hon.
Anh Đức tự hào chia sẻ: “Giờ cả ba mẹ ruột và ba mẹ vợ của Đức đều đang phụ Đức lo việc ở xưởng sản xuất. Vì thương Đức mà gia đình đã cố gắng rất nhiều mặc dù công việc này đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, kiên trì”
Sau khi đã có được cơ sở sản xuất mua bán, khó khăn vẫn chưa dừng lại. Anh gặp nhiều áp lực về chi phí duy trì và hoạt động. Nên câu hỏi luôn thường trực trong đầu anh Đức lúc này là làm sao để có thể tạo ra sản phẩm được nhiều người đón nhận.
Năm 2014, anh thực hiện các mô hình theo phong cách Nhật Bản. Những tưởng sẽ được các bạn trẻ thích và thương mại tốt nhưng cuối cùng lại thất bại, không được đón nhận. Nhưng điều này không khiến anh chùn chân mà chỉ như bàn đạp để anh giậm lùi, bật cao hơn.
Tạo điểm nhấn từ những điều bình dị
Anh Đức tâm sự: “Trong lúc đang buồn thì mình đi dạo Sài Gòn, Đức lại nghĩ tại sao mình không làm về đường phố Sài Gòn? Sau đó, Đức đã tạo ra mô hình Sạp báo Sài Gòn và được rất nhiều người yêu thích.”
Tất cả các sản phẩm về chủ đề Việt Nam như miền Tây hay Sài Gòn đều do anh Đức tự sản xuất toàn bộ, từ khâu thiết kế cho đến gia công. Chỉ riêng những bóng đèn LED Việt Nam chưa có là cần phải nhập về.
Để có một mô hình, cần rất nhiều nguyên vật liệu khác nhau. Trong đó vật liệu chính là gỗ, hoa cỏ, giấy, sơn. Ngoài ra còn có các vật liệu khác cho từng mô hình như: hạt cát, nhựa, kim loại, mica, đất sét Nhật, đất sét Thái …
Hồi đầu, các mô hình của anh không đúng tỉ lệ, anh chỉ biết ướm bằng mắt thường và chỉ làm theo cảm tính. Sau khi đăng sản phẩm lên, nhận được nhiều góp ý, anh đã học hỏi thêm qua thông tin trên mạng, mua và chơi thử rất nhiều mô hình của nước ngoài.
Dần dần, nghề dạy nghề, anh học được những cách kết cấu và tỉ lệ của nước ngoài, đem những quy trình đó biến đổi thành quy trình sản xuất ở Việt Nam. Anh Đức cũng chính là người đầu tiên ở Việt Nam có quy trình sản xuất này.
Anh Đức chia sẻ với chúng tôi rằng mô hình anh thích nhất là mẫu “Tạp hoá” và “Sạp báo Sài Gòn” vì nó gắn liền với tuổi thơ của anh. Đó là những hình ảnh tuổi thơ rất đẹp mà anh không chỉ muốn lưu giữ sâu trong miền ký ức mà còn muốn chia sẻ với mọi người thông qua những mô hình nhỏ bé.
Nguyễn Quang- Như Quỳnh