Tranh cãi "bóc mẽ" tên tuổi, bằng cấp ứng viên lên mạng xã hội
(Dân trí) - Cán bộ cấp quản lý tại một công ty "bóc mẽ" tên tuổi, hình ảnh, bằng cấp của nhân viên trên Facebook. Sự việc gây ra những tranh cãi trái chiều.
Không có lửa, đâu có... khói
Mới đây, quản lý tại một công ty ở TPHCM phản hồi qua Facebook về trường hợp một nhân viên trẻ sinh năm 1997 vừa ra trường.
Cụ thể, người này nhắn nhủ những người trong ngành lưu ý đến trường hợp của nhân viên này khi quản trị nhân sự, kèm lời kết luận: Vô ơn, vô kỷ luật!
Ngoài ra, bằng cử nhân rõ hình ảnh, tên tuổi, tên trường của nhân viên này cũng được chụp kèm nội dung "cảnh báo".
Được biết, nhân viên này mới vào làm việc, làm vài ngày thì xin nghỉ rồi chuyển qua chỗ khác. Qua chỗ khác vài hôm, bạn quay lại trình bày hoàn cảnh, xin hứa nên người quản lý này đứng ra bảo lãnh cho bạn vào làm lại. Làm được vài tuần, vừa lĩnh lương xong thì... bạn nghỉ.
Trên mạng xã hội hay nhiều diễn đàn về tuyển dụng, đã không ít lần có những nội dung "bóc mẽ" nhân sự kèm tên tuổi, hình ảnh, bằng cấp cụ thể như vậy.
Điều này, kéo theo nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều của mọi người, nhất là những người làm về lĩnh vực nhân sự.
Nhiều người phản hồi, không hiểu nổi thái độ, phong cách, đòi hỏi trong công việc của các bạn trẻ. Một số tình huống về nhân sự trẻ cũng được đưa ra như đòi lương cao, muốn việc nhàn, thiếu kỷ luật...
Theo họ, cần những phản hồi thế này để các nơi tuyển dụng biết mặt chỉ tiêu, biết đường để tránh, đỡ làm mất thời gian công sức của nhau.
Nên cân nhắc sự phản hồi
Ở quan điểm ngược lại, nhiều người không đồng với hành vi phản ánh cụ thể về người khác như thế này. Nhất là khi những đánh giá, nhận xét đưa ra chỉ là một chiều, còn mang tính cảm tính, chủ quan từ phía nhà tuyển dụng.
Về trường hợp, cử nhân bị phản hồi đăng tải hình ảnh, bằng cấp lên Facebook nói trên, chị Nguyễn Ngọc Anh, làm việc tại một công ty dược phẩm nêu quan điểm: "Người ta đi làm ngắn hay dài, suy cho cùng là quyền của người ta. Việc đăng tải người khác lên như vậy theo chị là sự xúc phạm cá nhân, chơi không đẹp của phía doanh nghiệp".
Cũng theo chị Nguyễn Ngọc Anh, công ty cũng từng đầu tư cho nhân viên đi học ở nước ngoài. Sau đó, có nhân viên sang làm cho đối thủ trực tiếp nhưng chưa khi nào họ có suy nghĩ đi "tố" người ta như vậy. Việc làm, thấy có thể ở lại, gắn bó thì họ ở, còn không thì chuyển.
Anh Nguyễn Phú Quốc, quản lý tại một công ty công nghệ ở Phú Nhuận, TPHCM bộc bạch, các bạn trẻ mới ra trường đi làm, sẽ khó tránh những thiếu sót trong ứng xử, nhìn nhận về công việc.
Điều này thường chỉ được hoàn thiện khi các bạn có thêm thời gian trải nghiệm, tiếp xúc.
Nếu đánh đồng những thiếu sót, chưa hoàn thiện của các bạn thành vi phạm đạo đức, chuẩn mực này nọ với những dán nhãn "không cải tạo được" e là điều quá nặng nề.
Anh Quốc cho biết:" Trong mọi trường hợp, bất kể là chuyện gì trong
"Các nhà tuyển dụng cũng cần thông cảm, các bạn trẻ hiện nay, thường ra quyết định rất nhanh, dám nghĩ dám làm kiểu thích là nhích, không thích là giải tán. Đây là ưu thế của họ nhưng cũng có khi trở thành hạn chế, kéo theo ẩu, đoảng, nóng vội...", anh Nguyễn Phú Quốc
công việc, tôi sẽ không bao giờ chọn cách phản ánh cụ thể về người khác".
Bởi như vậy, anh cho rằng chẳng khác nào bôi nhọ, xúc phạm, chặn con đường của người khác... Khi đó, văn hóa của một nhà quản lý hay một công ty như vậy cũng cần được xem lại.
"Vui vẻ thì ở lại, không vui thì chào nhau ra đi", anh Quốc nói và cho rằng, có chăng chỉ nên đưa ra ví dụ, tình huống để các bên trao đổi, rút kinh nghiệm cho các bên, tránh việc chỉ đích danh cá nhân .
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà tuyển dụng, đây cũng là bài học đắt giá cho các ứng viên. Tham gia thị trường lao động, mỗi người cần chú ý hành xử chuyên nghiệp, tuân thủ nguyên tắc, hợp đồng, vừa có lý vừa có tình.
Còn ứng viên hành xử thiếu chuyên nghiệp, vô kỷ luật... thì rất khó để ngăn người khác phản hồi không tốt về mình. Nhất là tuyển dụng hiện nay, không cần phải "bóc mẽ" công khai thì nơi làm việc cũ chính là một kênh quan trọng để các doanh nghiệp tìm hiểu về nhân sự của mình.